Người dân hiếu kỳ suýt chút nữa phải trả giá bằng mạng sống khi bắt giữ con rắn cạp nong bạch tạng kịch độc.
Một con rắn bạch tạng với toàn thân trắng muốt hôm 15/12 tình cờ được phát hiện ở thành phố Kalinga Nagar, thuộc bang Odisha, miền đông Ấn Độ, Newsflare đưa tin. Thấy con vật có vẻ bề ngoài bắt mắt và dường như vô hại, một nhóm người hiếu kỳ đã bắt nó để quan sát.
Do không thể nhận dạng được con vật, người dân địa phương quyết định bàn giao cho tổ chức chăm sóc và cứu hộ rắn Snake Helpline. Mọi người đều vô cùng kinh ngạc khi Tổng thư ký của tổ chức Subhendu Mallik xác định đây là con rắn cạp nong xanh, một trong những loài rắn độc gây chết người nhiều nhất ở Ấn Độ.
"Người dân địa phương không thể nhận dạng được con rắn vì nó mắc chứng bạch tạng. Họ thật may mắn khi không bị nó cắn", Mallik chia sẻ. "Tôi đã kiểm tra các vảy lục giác và răng nanh của con vật. Đó thực sự là một con rắn cạp nong Ấn Độ với toàn thân màu trắng và đôi mắt xanh. Trường hợp rắn cạp nong bạch tạng cực kỳ hiếm trong tự nhiên".
Con vật sau khi được kiểm tra sức khỏe đã được thả trở lại môi trường hoang dã, tại một địa điểm cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân.
Rắn cạp nong xanh là một trong bốn loài rắn độc lớn có số vụ cắn người cao nhất ở Ấn Độ. Nọc độc thần kinh của chúng khiến nạn nhân bị tê liệt cơ bắp, suy hô hấp và cuối cùng tử vong sau 4 - 8 giờ. Tỷ lệ tử vong do rắn cắn nếu không được điều trị lên tới 80%.