Mặc dù thường xuyên rao bán công khai các clip nhạy cảm được hack từ camera nhà riêng trên mạng xã hội, tuy nhiên các đối tượng hacker lẫn người rao bán gần như chưa có tiền lệ bị xử phạt...
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, thời gian gần đây trên nhiều hội nhóm Telegram xuất hiện các đối tượng thường xuyên rao bán những clip “nóng” được hack từ camera nhà riêng của những cặp vợ chồng Việt Nam với mức giá từ 200.000 đồng - 800.000 đồng cùng kho dữ liệu lên đến vài ngàn clip.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi hack camera nhà riêng, thu thập clip nhạy cảm, sau đó rao bán thông tin của người khác trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của họ là trái pháp luật và bị nghiêm cấm.
"Đây không chỉ là hành vi xâm phạm đời tư của cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người trong cuộc mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đời sống của họ", luật sư nhấn mạnh.
Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi nói trên làm căn cứ để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
Về xử lý hành chính, theo quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP và khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi rao bán dữ liệu camera nêu trên có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục, buộc hủy bỏ các thông tin trái phép.
Ngoài ra, người rao bán dữ liệu camera cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo Điều 289 Bộ Luật hình sự hiện hành, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.
Bên cạnh đó, người có hành vi đăng tải thông tin, hình ảnh công khai về việc rao bán clip nhạy cảm trên mạng còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nội dung dâm ô, đồi trụy trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc với mức phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu của tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 236 Bộ luật hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Đối với các cá nhân bị hành vi trên làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, nhân phẩm và uy tín, theo quy định tại Điều 11 Bộ luật dân sự 2015, họ có quyền yêu cầu người rao bán dữ liệu camera hủy bỏ dữ liệu, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, do các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thông qua môi trường mạng nên việc tiếp cận và xác minh thông tin chính xác của đối tượng thực hiện hack và rao bán clip nhạy cảm là vô cùng khó khăn.
Hơn nữa, mặc dù hậu quả của hành vi trên gây ra cho các nạn nhân là rất rõ ràng, nhưng việc xử lý lại không hề đơn giản, bởi để có căn cứ xử lý hình sự, trước hết cần phải có kết luận của Giám định viên tư pháp về văn hóa, đánh giá những clip được đăng tải lên mạng có phải là văn hóa phẩm đồi trụy hay không...
Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của mạng xã hội nói riêng và hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nói chung. Quy định về xử lý, chế tài xử phạt vi phạm về an toàn, an ninh mạng chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, cơ sở thiết bị kỹ thuật chuyên dùng nhằm hỗ trợ các cơ quan chuyên trách về đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn thiếu. Từ đó dẫn đến việc triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.