Từ vụ việc rao bán dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng, được thu thập từ website về giáo dục, kèm theo mẫu dữ liệu là thông tin của một số giáo viên và học sinh ở Việt Nam, nhiều phụ huynh lo ngại về vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân.
Phiền toái từ các cuộc gọi “rác”
Mới đây, trên một diễn đàn trực tuyến, hacker có tên “meli0das” đã đăng tải thông tin rao bán dữ liệu của 30 triệu người dân Việt Nam. Người này cho biết, lượng dữ liệu lớn này được thu thập từ một website về giáo dục, kèm theo mẫu dữ liệu là thông tin của một số giáo viên và học sinh ở Việt Nam.
Theo mô tả của hacker, các thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ, là những dữ liệu chưa từng rò rỉ trước đây và mới được lấy trong tháng 7.
Giá bán cho tập dữ liệu này được hacker đề ra là 3.500 USD. Ngoài ra, hacker sẵn lòng thương lượng giá hoặc bán với số lượng ít hơn. Hacker cũng cho biết thêm là sẽ gửi mẫu 10.000 bản ghi để “nhá hàng” cho những ai hỏi mua.
Được biết, chỉ trước đó ít ngày, "meli0das" đã đăng tải miễn phí cơ sở dữ liệu với 360.000 bản ghi là thông tin học sinh được khai thác từ trường học thông minh và đăng ảnh chụp thông tin của khoảng 70 người, hầu hết là giáo viên.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ GDĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, rà soát. Kết quả kiểm tra, xác minh ban đầu từ các mẫu dữ liệu do người rao bán chia sẻ thông qua dung lượng dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, trường dữ liệu, độ chính xác dữ liệu, và logic sắp xếp dữ liệu cho thấy nguồn dữ liệu này khác với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục do Bộ GDĐT quản lý.
Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) cho biết: “Hiện nay, Bộ đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an để tiếp tục xác minh, đồng thời tiếp tục rà quét, kiểm tra các hệ thống bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin”.
Từ vụ việc này, nhiều người bày tỏ lo ngại về vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Hiện tượng này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại lâu nay, gây phiền toái cho không ít người. Trong đó có rất nhiều phụ huynh phản ánh về việc thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh bị “tuồn” cho các cơ sở dịch vụ về giáo dục như: trung tâm tiếng Anh, trung tâm gia sư…
Từ đầu năm tới nay, số điện thoại của chị Lưu Ngọc Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên nhận được cuộc gọi mời đăng ký lớp học tiếng Anh cho con từ nhiều trung tâm khác nhau.
Chị Hà cho biết, thời gian đầu chị còn lịch sự từ chối khéo, nhưng cho đến nay, chị vẫn liên tục nhận được những cuộc gọi như thế, thậm chí có trung tâm gọi 2 lần/ngày.
“Dù tôi đã nói không có nhu cầu nhưng trả lời trung tâm này thì trung tâm khác gọi. Có một số nơi còn gọi đi gọi lại nhiều lần khiến tôi phát cáu”, chị Hà nói.
Nhiều lần anh Nguyễn Mạnh Trường (quận Ba Đình, Hà Nội) đã không giữ được bình tĩnh mắng trong điện thoại: “Anh đã nói bao nhiêu lần là con anh đã tìm được trung tâm học tiếng Anh mà sao các em vẫn cứ gọi vậy”, rồi dập máy.
Anh Trường chia sẻ: “Tôi rất bực khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi mời chào, tư vấn từ các trung tâm. Lúc không bận thì còn được chứ những lúc đang họp hoặc đang lái xe, điện thoại cứ đổ chuông liên hồi. Khi nghe máy thì đầu dây bên kia giới thiệu là người của trung tâm thử hỏi ai mà không bực được”.
Nỗi lo lộ, lọt thông tin
Hầu hết phụ huynh không chỉ bức xúc vì thường xuyên bị các cuộc điện thoại mời chào, tư vấn làm phiền mà họ còn băn khoăn, đặt câu hỏi tại sao các trung tâm lại có số điện thoại, biết rõ họ là ai, làm nghề gì và ở đâu.
Trường hợp anh Trường ở trên đã có lần không khỏi giật mình khi người gọi từ số điện thoại “rác” hỏi anh: “Xin lỗi anh có phải là phụ huynh của cháu…, học lớp… hay không”.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Sóng mới (NWS Corp) cho hay, một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm, tổ chức có được thông tin cá nhân của người dùng là do việc lộ, lọt thông tin trên mạng xã hội. Việc này đã từng xảy ra đối với các mạng viễn thông cách đây vài năm.
Không chỉ các trung tâm tiếng Anh hay trung tâm gia sư, dạy thêm, hầu hết các thuê bao sau khi đăng ký chính chủ hoặc đăng ký một dịch vụ nào đấy thì lập tức sau đó bị hàng loạt các số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện mời chào quảng cáo sản phẩm, mở thẻ ngân hàng, thông báo trúng thưởng… Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã có những “thỏa thuận ngầm” với quản trị hệ thống thông tin ở một số cơ quan, doanh nghiệp trao đổi trái phép dữ liệu cá nhân nhằm thu lợi bất chính.
Theo tìm hiểu, trên mạng internet hiện nay không khó để tìm mua danh sách data khách hàng. Trên công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khóa “danh sách khách hàng”, chỉ trong 0,45 giây cho 127 triệu kết quả. Nhiều địa chỉ top đầu hiện ra như: danhsachmoi, datakhachhang, fulldata…
Với lời giới thiệu: “Chúng tôi giúp doanh nghiệp có nhu cầu mua data khách hàng để phát triển mạnh mẽ. Tăng thu nhập hàng tháng của doanh nghiệp, quý khách. Danh sách khách hàng tiềm năng giúp doanh nghiệp phát triển vượt mặt đối thủ một cách nhanh chóng”, trang website danhsachmoi đăng tải data danh sách khách hàng theo từng đối tượng khách hàng như: phụ huynh học sinh, xe hơi, tổng hợp, bất động sản, chứng khoán, doanh nhân…
Ở danh sách khách hàng phụ huynh, học sinh, trang này quảng cáo: “Danh sách khách hàng phụ huynh học sinh bên mình được chọn lọc rất công phu và đã được phân loại cụ thể chi tiết theo các quận, theo trường cụ thể giúp quý anh chị dễ dàng hơn trong việc khai thác, hỗ trợ cho việc sales, marketing một cách hiệu quả nhất”.
Với những lời quảng cáo như thế này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao các website lại có những dữ liệu cá nhân người dùng, thậm chí là luôn được cập nhật mới nhất.
Có cầu ắt có cung, việc mua bán, trao đổi thông tin/dữ liệu cá nhân đang tồn tại và được rao bán "ngầm" trên mạng bất chấp sự bức xúc của người dân cũng như nỗ lực của các cơ quan quản lý.