Tại Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước” sáng 18/10 các đại biểu chỉ ra những rào cản này.
“Nút thắt” thể chế, chính sách và những phát sinh trong thực tiễn
Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều “nút thắt” trong phát triển KCN, KKT đang hiện hữu trong thực tế.
Một là, thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động...
Hai là, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. trong khi công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT cần phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong nền kinh tế; đặt trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác, với vùng và với xã hội.
Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KCN, KKT với các quy hoạch: hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị chưa cao. Việc phát triển KCN, KKT theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, KKT chưa được chú trọng đúng mức.
Ba là, loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới. KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.
KKT cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực. KKT ven biển chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng KKT và khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Bốn là, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế.
Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN vẫn tập trung phát triển KCN theo “chiều rộng”, thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp; chưa thực sự chú trọng phát triển theo “chiều sâu” hướng tới cơ cấu ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường.
Năm là, vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương.
Nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động, đặc biệt là tại địa bàn tập trung nhiều KCN, sử dụng nhiều lao động di cư. Việc chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất thực hiện chưa tốt. Số người dân được đào tạo lại, bố trí làm việc tại các KCN chưa cao...
Sáu là, hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp. Một số KCN gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư thứ cấp.
Bảy là, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu, bởi khả năng cân đối từ ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT có hạn; mức vốn phân bổ hàng năm cho các địa phương và việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế.
Tám là, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
"Tại nhiều địa phương đã hình thành hệ thống Ban Quản lý các KCN, KKT nhưng quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và chưa đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa, tại chỗ” của Chính phủ".
Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KHĐT
Cần rà soát, thống nhất các quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN
Từ góc độ địa phương, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Bình Dương - chia sẻ, trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Dương nhận thấy các cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển KCN, CCN và các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng… vẫn chưa được cập nhật, hoàn thiện một cách đồng bộ, ảnh hưởng đến quá trình quản lý, phát triển các khu, CCN.
Qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về sự ổn định của môi trường đầu tư và tính minh bạch, công bằng của chính sách và làm gia tăng vướng mắc, khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động đầu tư và ảnh hưởng đến công tác quản lý phát triển KCN, CCN.
Đề cập đến một số bất cập, khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết:
Thứ nhất, về tính pháp lý quy định khung đối với KCN, CCN chỉ mới dừng lại ở cấp Nghị định.
Thứ hai, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư khu, CCN, các nghị định chuyên ngành về CCN chưa thống nhất trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và chưa quy định rõ thời gian dừng tiếp nhận đề nghị làm chủ đầu tư CCN. Các quy định của pháp luật về đầu tư và về quản lý CCN chưa thống nhất, nhà đầu tư phải thực hiện 2 thủ tục về quyết định thành lập CCN và quyết định chủ trương đầu tư mặc dù nội dung 2 thủ tục này tương đồng.
Thứ ba, những quy định về xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính… chưa đồng bộ và rõ ràng. Thứ tư, theo quy định, các chuyên gia, người lao động nước ngoài được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại KCN. Việc này làm cho người lao động nước ngoài tạm trú tại các KCN ngày càng nhiều dẫn đến việc quản lý hành chính về trật tự và an ninh chính trị có nhiều phức tạp.
Thứ năm, về việc phối hợp trong quản lý nhà nước đối với khu, CCN, hiện vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.
Thứ sáu, chính sách ưu đãi đầu tư chưa tính đến một số yếu tố đặc thù đại phương; chưa phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; thiếu chính sách khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các dự án trong KCN, CCN.
Thứ bảy, về phát triển mô hình mới, việc triển khai xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu, hiệu quả; chưa có chính sách, hướng dẫn, tiêu chí cũng như phương thức đánh giá việc thu hút đầu tư có chọn lọc hay việc di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư vào các CCN, KCN.
Những tồn tại, khó khăn này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi, triển khai công tác quản lý, phát triển khu, CCN tại địa phương - ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh và đưa ra một số kiến nghị.
Đối với các quy định không rõ ràng về chấp thuận chủ trương và chấp thuận nhà đầu tư, nguồn gốc đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính… sẽ gây hậu quả pháp lý liên quan đến thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là một trong những vấn đề mà cơ quan kiểm ra, thanh tra, kiểm toán, điều tra đều có quan điểm và cách áp dụng khác nhau và khác với địa phương trong quá trình điều hành.
Do đó, Sở KHĐT Bình Dương kiến nghị Kiểm toán nhà nước chủ trì cùng Chính phủ rà soát, thống nhất để ban hành các quy định, hướng dẫn hết sức cụ thể đối với các vướng mắc này để địa phương có cơ sở thực hiện một cách công khai, minh bạch, an toàn vì mục tiêu thúc đẩy, hồi phục và phát triển kinh tế đất nước.
Đối với các vướng mắc liên quan đến khung pháp lý, chính sách ưu đãi đầu tư cho khu, CCN và thức đẩy các mô hình khu, CCN tiên tiến, hiện đại; tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương nhanh chóng thể chế hóa các quy định quản lý, phát triển khu kinh tế, KCN, CCN để có giá trị pháp lý tương đương và tạo ra sự đồng bộ trong quá trình áp dụng pháp luật trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai… nhằm tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.