Đối với một dự án, ở Việt Nam phải qua rất nhiều khâu thẩm định, mỗi khâu kéo dài khoảng vài tháng. Điều này làm các nhà khoa học Việt kiều nản lòng.
Hiện nay, ở Australia có một lượng khá lớn trí thức Việt kiều sinh sống. Hầu hết các nhà khoa học gốc Việt ở Australia đều rất yêu nước và đều mong muốn đóng góp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản ngăn trí thức Việt kiều đóng góp sức mình xây dựng đất nước.
Nhóm phóng viên phỏng vấn ông Chu Quang Hòa, Trưởng đại diện Văn phòng KHCN Việt Nam tại TP Sydney, Australia về vấn đề này.
Hầu hết trí thức Việt đều mong đóng góp cho đất nước
PV: Thưa ông, cộng đồng người Việt ở Sydney nói riêng, Australia nói riêng được đánh giá là một cộng đồng có thế mạnh, nhất là về KHCN cũng như thế mạnh về tiềm lực kinh tế. Thưa ông, ông có thể cho biết cụ thể hơn về nhận định này?
Ông Chu Quang Hòa: Theo con số thống kê của Australia, cộng đồng người Việt ở Sydney có khoảng 100.000 người, trong đó tỷ lệ tham gia vào các ngành kỹ thuật hoặc có học qua các ngành kỹ thuật chiếm khoảng 30%. Trong số 30% này có một nửa đang đi làm cho các tập đoàn công của Australia, một số làm thuê cho Chính phủ Australia, số còn lại là giảng viên của các trường Đại học.
Ông Chu Quang Hòa, Trưởng đại diện
Văn phòng KHCN Việt Nam tại TP Sydney
Trong số các giảng viên của các trường Đại học, số lượng người có các bằng sở hữu trí tuệ về công nghệ, kỹ thuật chiếm 7%. Hầu hết trong số này đều có quan hệ với các trường Đại học ở Việt Nam hoặc với Bộ KHCN. Tuy nhiên các quan hệ này mang tính chất cá nhân hoặc không có tổ chức liên hệ với trong nước một cách bài bản.
PV: Theo ông hiện nay chúng ta cần có phương thức như thế nào để quy tụ được các nhà khoa học gốc Việt ở Australia đóng góp một cách tốt nhất vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?
Ông Chu Quang Hòa: Hiện tại Bộ KHCN đang có đề án làm sao thu hút được những trí thức này thành một mối thông qua một dự án liên kết với Ngân hàng thế giới, với vốn vay khoảng 100.000 USD.
Hiện tại, công tác chuẩn bị đang được tiến hành từ giữa năm 2015 và dự kiến đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành bộ khung để đưa ra số lượng cũng như thành phần các nhà khoa học, để tiến tới có đầu ra cho các nhà khoa học tham gia vào các dự án phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật trong nước.
Hầu hết các nhà khoa học gốc Việt ở Australia đều rất yêu nước và đều mong muốn đóng góp xây dựng đất nước. Khó hiện tại là Việt Nam chưa có một quy chuẩn rõ ràng, đơn giản là về chính sách để khi các trí thức Kiều bào về Việt Nam có thể yên tâm cống hiến… Đơn giản như khi về nước họ sẽ được hưởng chính sách như thế nào, ai sẽ trả tiền vé máy bay, cách thức họ được Nhà nước cho tham gia với góc độ như thế nào… Các nhà khoa học ở Australia họ đều thích sự minh bạch trong mọi việc.
Hiện tại, Bộ KHCN đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra Thông tư liên bộ để tháo gỡ những khó khăn đó. Tuy nhiên, để đạt được việc này cần phải có thời gian.
Các nhà khoa học “nản” khi thẩm định kéo dài vài tháng
PV: Như ông vừa nói có rất nhiều rào cản ngăn trở sự hợp tác giữa hai bên. Vậy theo ông những rào cản nào cần được ưu tiên tháo gỡ để sự hợp tác có hiệu quả?
Ông Chu Quang Hòa: Quan trọng nhất cần tháo gỡ ngay bây giờ là cần có quy chuẩn rất rõ ràng để các nhà khoa học được hưởng một cơ chế đặc thù, ít nhất là về đãi ngộ.
Thứ hai là quá trình thẩm định tài chính cho các dự án, ví dụ như chúng ta ký hợp đồng giữa cơ quan Việt Nam với các trường Đại học ở đây. Theo chúng tôi tìm hiểu, thông thường nó không đắt, chỉ 50.000-60.000 đô la Australia cho một dự án hợp tác như vậy. Tuy nhiên khi có yếu tố ngoại tệ thì ngay tại Việt Nam phải qua rất nhiều khâu thẩm định, mỗi khâu như vậy kéo dài khoảng vài tháng, chuyện này đã làm ngay các nhà khoa học Việt Nam ở đây nản lòng, họ không quen với kiểu làm việc như vậy.
PV: Theo ông, những thế mạnh nào về KHCN của doanh nhân Việt tại Australia cũng như của Australia mà Việt Nam cần phải thu hút?
Ông Chu Quang Hòa: Nói một cách chính xác thì Australia về KHCN là một nước kém phát triển nhất trong các nước phát triển. Bản thân Australia có một khoảng thời gian dài 50 năm chỉ đi nhập công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ. Từ năm 1991 lại đây thì họ mới bắt đầu nghiên cứu và cho thuê, bán các tác quyền theo hình thức mà các trường ĐH ở Mỹ đã làm.
Thế mạnh hiện tại của Australia là về nông nghiệp và các vấn đề sau thu hoạch, nuôi trồng thủy hải sải, khai khoáng và đặc biệt là các công nghệ xử lý, tái tạo môi trường. Australia được coi là một trong những nước có quy định về môi trường hà khắc nhất thế giới.
Bộ KHCN cũng đang tích cực hợp tác với Australia trong một số dự án lớn. Thứ nhất là dự án lọc nước ngọt từ nước biển.
Thứ 2 là dự án tái tạo, thu hồi các colagel từ các phế phẩm trong ngành thủy sản. Được biết, công nghiệp cá basa của Việt Nam có một nguồn chất thải rất lớn từ da cá và xương cá. Chúng tôi đang hợp tác với Australia để xử lý vấn đề này.
Thứ 3 là thu hồi các năng lượng tồn đọng trong quá trình khai thác than, dầu khí cũng là thế mạnh của Australia.
Thứ 4 là trong vấn đề bảo quản hoa quả. Ở các siêu thị của Australia, hoa quả được bày bán rất tươi, rất đẹp nhưng thực ra nó đã được bảo quản khoảng 2 năm.
Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế để tháo gỡ rào cản kỹ thuật trước khi đưa ra vấn đề hợp tác với Australia.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của các nhà khoa học Việt Nam trong việc tư vấn để giúp chúng ta có thể hợp tác, chuyển giao được những mảng KHCN của Australia mà Việt Nam cần?
Ông Chu Quang Hòa: Các nhà khoa học Việt được ghi tên trên bảng vàng của Australia có khoảng 100 người, trong đó có nhiều Giáo sư đầu ngành. Chẳng hạn như GS Long Nghiêm, năm nay mới 36 tuổi nhưng đã được phong hàm GS 4 năm nay. Hiện tại ông là Chủ tịch Hội đồng lọc nước của toàn nước Australia.
Ngoài ra, còn có nhiều nhà khoa học đầu ngành được giới khoa học Australia đánh giá rất cao về các công trình nghiên cứu. Tất cả những GS này đều sẵn sàng chuyển giao các công trình nghiên cứu của mình về Việt Nam. Tuy nhiên, họ có mong muốn là khi họ làm trong các trường Đại học thì việc chuyển giao đó phải gắn với một hợp đồng hợp tác rất cụ thể, chi tiết với cơ quan quản lý của họ.
Hiện tại chúng tôi đã có các đề xuất về Việt Nam và các đề xuất này đang trong quá trình thẩm định trước khi triển khai một cách thực tế.
PV: Xin cảm ơn ông.