Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhà quản lý đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Song, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra, đặc biệt là trong câu chuyện thu hút đầu tư.
Cho đến nay năng lượng mặt trời vẫn chưa thật phát triển.
Thời gian qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được đưa vào vận hành cho thấy nhà quản lý đang rất chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến tháng 3/2020, đã có 78 dự án điện gió được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW; 11 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 377 MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW, kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và năm 2021. Tuy nhiên, mặc dù mức giá hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (Feed-in Tariff - FIT) cho điện gió là hấp dẫn, song nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn về các chính sách liên quan đến loại hình năng lượng này.
Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, giữa các dự án đã hoạt động và các dự án được bổ sung vào Quy hoạch đang có sự chênh lệch lớn. Nguyên nhân là do việc thi công dự án điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, đặc biệt là với điện gió ngoài khơi. “Đơn cử như việc bàn giao diện tích mặt biển cho chủ đầu tư hiện đang vướng nhiều thủ tục như cho thuê đất thế nào? An ninh quốc phòng ra sao? Cho thuê toàn bộ diện tích hay chỉ thuê móng trụ… là những vấn đề chưa có tiền lệ” – ông Thịnh nêu quan điểm.
Dù đánh giá cao Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, coi đó là động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam, song nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, cần phải tháo gỡ một số điểm nghẽn trong chính sách, họ mới có thể yên tâm đầu tư vào các dự án điện gió. Đơn cử Quyết định 39 còn thiếu nhiều chính sách phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ. Cùng với đó, thời hạn để các dự án hưởng giá FIT theo Quyết định này là cuối năm 2021, từ nay đến đó với thời gian còn quá ngắn sẽ không đủ để nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án điện gió mới. “Chúng tôi rất cần sau thời điểm đó, giá FIT mới như thế nào, bởi không có mức giá thì doanh nghiệp không có cơ sở để lập dự án đầu tư cho mục tiêu phát điện sau năm 2021”, một nhà đầu tư đề xuất.
Đại diện Công ty Ecotech, một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn về mốc thời gian hưởng ưu đãi trên. Các nhà sản xuất thiết bị dừng sản xuất, có thể chậm trễ trong giao hàng khiến việc gia hạn giá FIT cho các dự án là rất cần thiết đối với DN.
Như vậy, có thể thấy, băn khoăn lớn nhất của nhiều nhà đầu tư đó là câu chuyện về giá FIT, ở đây, phần lớn các nhà đầu tư mong muốn cần thiết phải kéo dài giá FIT điện gió vì những rào cản đối với lĩnh vực điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời. Trong đó, rào cản lớn nhất là Luật Quy hoạch khi quy hoạch về không gian biển chưa có, tiếp theo nữa là các hướng dẫn liên quan đến an ninh quốc phòng với các dự án triển khai ngoài khơi... và chưa tính đến yếu tố thiết bị kỹ thuật có thể chậm tiến đô.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió, mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho các dự án điện gió được hưởng cơ chế giá mua điện cố định tới hết tháng 12/2023, sau đó mới tiến hành đấu thầu, đấu giá cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN, chuyên gia trong ngành vẫn bày tỏ lo ngại về việc, lưới điện truyền tải khó theo kịp số lượng lớn công suất của các dự án sẽ đưa lên lưới. Bài học phát triển các dự án điện mặt trời vẫn còn rất nóng. Giới chuyên gia cho rằng, trong quy hoạch cần phải rõ ràng hơn lưới điện, nguồn điện dự phòng để có thể đáp ứng được quy hoạch, tránh tình trạng đầu tư vào mạnh nhưng “bí” lưới điện truyền tải, không giải tỏa được hết công suất. Hoặc ở chiều ngược lại, với lưới điện hiện nay thì nguồn điện gió, điện mặt trời đưa vào bao nhiêu là phù hợp...