Khi các trường tự chủ, học phí sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên. Mặc dù đã có những chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên (HSSV), nhưng theo khảo sát, người học vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay.
Vốn vay thấp, thủ tục vẫn khó khăn
Từ ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh mức vay từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV. Em Nguyễn Minh Trang (sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, gia đình em những năm trước đây không thuộc đối tượng được vay tín dụng sinh viên. Tuy nhiên, vừa rồi, khi sửa đổi đối tượng được vay vốn, em đã làm thủ tục vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội ở quê nhà Thái Nguyên.
“Bố mẹ em làm nông, chị gái bị dị tật nên khi em đỗ đại học, bố đã lên Hà Nội cùng em để đi làm thêm. Tuy nhiên, dịch bệnh khó khăn nên 2 năm vừa rồi cũng không có việc làm, phải về quê. Nay em học năm thứ 3 mới được vay vốn, đỡ được phần nào cho bố mẹ trước mắt cũng là mừng rồi” – Trang chia sẻ.
Trong khi đó, sinh viên Mạnh Quân (trường ĐH Thủy lợi) cho biết, em sinh ra và lớn lên ở miền Trung, gia đình còn rất khó khăn. Dù con được đi học ĐH nhưng gia đình cũng chỉ có thể chu cấp một phần chi phí sinh hoạt và học phí, em phải đăng ký đi làm thêm, gia sư và chạy xe ôm công nghệ những khi rảnh.
“Mức lãi suất vay 6,6% với gia đình em cũng vẫn cao vì bố mẹ còn nhiều khoản nợ khi xây lại nhà, đầu tư hoa màu mỗi mùa mưa lũ đi qua. Em cũng sợ không trả được sau khi đi làm vì thời gian gấp quá, nên cố gắng thu xếp đi làm thêm, chi tiêu tiết kiệm chứ không dám vay” – Quân nói.
Hiện các đối tượng được vay tín dụng sinh viên gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha hoặc mẹ, những người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
Theo Bộ GDĐT, chi phí học tập bình quân hiện nay của một HSSV khoảng 6,5 - 9,5 triệu đồng/tháng. Nên mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV trước đây chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. Mặc dù đã tăng lên mức 4 triệu nhưng với việc các trường ĐH đồng loạt tăng học phí, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn rất lo lắng làm sao để có đủ tiền đóng học phí cũng như nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng tháng.
Đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị Tự chủ đại học 2022 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo các đại biểu, không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện để đóng học phí khi hàng loạt trường thông báo tăng học phí theo lộ trình hàng năm. Không chỉ các trường ngoài công lập có mức học phí “không dễ thở” mà nhiều ngành, nhiều trường công lập cũng có mức học phí cao tùy vào chương trình chất lượng cao.
Kiến nghị tăng thời gian cho vay, mức vay
Theo ông Nguyễn Minh Thụy - Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM, khảo sát cuối năm 2021 đối với trên 39.000 sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy có 46% sinh viên trong hoàn cảnh gia đình bị mất nguồn thu, 52% sinh viên gặp khó khăn về học phí và có 5% sinh viên nợ học phí. “Theo quy chế những sinh viên này sẽ không được cấp bằng, bị đình chỉ học… Nhưng nhà trường không thể ứng xử như vậy với người học” – ông Thụy nói.
Mặc dù các trường đều có chính sách học bổng nhưng cũng chưa thể bao quát được hết sinh viên. Trong khi đó, về chính sách tín dụng cho sinh viên hiện nay, ông Thụy cho rằng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, với đối tượng cho vay mặc dù theo quy định mới đã mở rộng hơn nhưng nhiều gia đình vẫn chưa đủ tiêu chuẩn về mặt giấy tờ để được phê duyệt vay.
Thứ 2, mức cho vay hiện nay tối đa là 4 triệu đồng/tháng trong khi ĐH Quốc gia TP HCM đang làm đề án khảo sát cho thấy, chỉ tính riêng nhu cầu ăn, ở, đi lại tối thiểu của sinh viên cũng phải 6 triệu đồng.
Thứ 3, thời hạn vay rất ngắn. Tối đa là gấp đôi thời gian học tập của sinh viên. Trong khi những khoản vay khác như vay mua nhà có thể lên đến 10-15 năm. Thời hạn trả ngắn quá cũng không khả thi cho người học khi tốt nghiệp, đi làm. Hiện nay, việc cho vay thực hiện ở hộ gia đình, không phải cho vay trực tiếp đối với người học nên cũng có những bất cập.
Thứ 4 là mức lãi suất cao, 6,6% năm, đây vẫn là mức khá cao so với nhiều sinh viên do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng trong thời gian tới, cần xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng HSSV cũng như điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho HSSV có thể đảm bảo đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
Đồng thời, cũng cần nghiên cứu giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3%-4%/năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3%-4%/năm; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.
Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay (ví dụ, học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học 7 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 21 năm). Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho HSSV… để tạo những hỗ trợ tối đa cho người học trong quá trình đi học.
Theo Bộ GDĐT, chi phí học tập bình quân hiện nay của một HSSV khoảng 6,5 - 9,5 triệu đồng/tháng. Nên mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV trước đây chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. Mặc dù đã tăng lên mức 4 triệu nhưng với việc các trường ĐH đồng loạt tăng học phí, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn rất lo lắng.