Tác dụng chữa bệnh của mồng tơi được ghi lại sớm nhất trong sách “Danh y biệt lục” của danh y Đào Hoằng Cảnh (456 - 536) như sau: “chủ hoạt trung, tán nhiệt” (thông lợi đường tiêu hóa, giải nhiệt). Thời xưa, mồng tơi không được sử dụng để làm rau ăn. Mãi về sau này khi các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần dinh dưỡng của mồng tơi cũng rất phong phú, thì người ta mới bắt đầu sử dụng để làm rau ăn.
Mồng tơi được trồng nhiều trong vườn làm rau ăn hàng ngày.
Lá đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường. Thành phần hóa học trong rau mồng tơi có vitamin A3, vitamin B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt. Tại Indonesia, người ta thường dùng rau mồng tơi làm thuốc chữa trẻ con bị táo bón, phụ nữ đẻ khó.
Đông y cho rằng rau mồng tơi có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, vào 5 kinh Tâm, Can, Tỳ, Đại tràng và Tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, hoạt tràng, lương huyết, giải độc. Dùng chữa đại tiện bí kết, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện không thông, đái rắt, đái nhỏ giọt, kiết lỵ, ban chẩn, đinh sang... do đó đông y cho rằng mồng tơi tính hàn, thích hợp cho mùa hè. Cả Đông và Tây y đều khẳng định loại rau này có tác dụng nhuận tràng. Các nghiên cứu còn cho thấy nó giúp thải chất béo, tốt cho người có mỡ và đường máu cao.
Ngoài việc được dùng trong bữa ăn hằng ngày, rau mồng tơi còn được sử dụng trong một số bài thuốc chữa bệnh như táo bón, đại tiện xuất huyết kinh niên, tiểu tiện không thông, đái dắt, đái nhỏ, chứng ngực bồn chồn, đầy tức và cầm máu , giúp vết thương mau lành. Rau mồng tơi quen thuộc với mọi người, nhưng công dụng lớn của rau mồng tơi thì ít ai biết. Dân gian thường dùng rau mồng tơi làm rau ăn cho mát, thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón. Một số nơi còn dùng quả mồng tơi để nhuộm đỏ các loại mứt, nếu thêm chanh thì màu đậm hơn, nhưng không nên cho nhiều quá.
* Thanh nhiệt, giải độc: Có nhiều cách chế biến thành nhiều món ăn để giải nhiệt mùa hè như canh nấu với mướp, rau đay, cua…
* Giúp da tươi nhuận, hồng hào: Rau mồng tơi luộc chấm hoặc trộn vừng đen đã rang tán bột. Hay dùng rau mồng tơi nấu canh với cá trê vàng, mỗi tuần ăn một lần.
* Trị táo bón: Ăn rau mồng tơi hàng ngày giúp nhuận tràng rất tốt. Nếu bị táo bón có thể lấy 500g mồng tơi cho mắm muối, tương, giấm nấu thành canh ăn cơm hằng ngày. Sử dụng vài ngày là đại tiện sẽ thông.
* Trị tiểu buốt: Hái lá mồng tơi từ sáng sớm lau sạch cho vào cối giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước sôi để nguội cho vài hạt muối rồi uống. Bã dùng để đắp vào bụng dưới (chỗ bàng quang) chỉ sau vài lần là khỏi.
* Trị bệnh trĩ: Nếu bị trĩ nhẹ thì có thể lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái) rất hiệu nghiệm.
* Chữa chảy máu cam do huyết nhiệt: Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên chảy máu.
* Trị đầy bụng: Rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1 củ (bóc vỏ thái nhỏ) nấu canh ăn vài ba ngày. Hoặc dùng 4 loại rau sau đây với lượng bằng nhau nấu canh là mồng tơi, đay, rau khoai, rau má.