Rèn thể lực để nâng trí lực

Mạnh Hà 25/12/2016 09:10

Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam mới đây đã công bố Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có chiều cao trung bình thấp của thế giới. Theo GS Dương Nghiệp Chí- Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam đó là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao.

Rèn thể lực để nâng trí lực

Thường xuyên rèn luyện nâng cao thể lực và trí lực.

Thờ ơ giáo dục thể chất

TS Nguyễn Thị Lâm- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường chiều cao, sức khỏe đó là hoạt động thể chất.

Cũng có thể thấy lâu nay, tại Việt Nam, giáo dục thể chất chưa được coi trọng và đầu tư xứng đáng. Đến nhiều trường phổ thông hiện nay chúng ta vẫn thấy học sinh được dạy tập những bài tập thể dục cũ kỹ nhàm chán như nhiều năm về trước. Các em tham gia tiết thể dục như bị bắt buộc, hời hợt khua tay múa chân và nói chuyện riêng.

Bản thân các giáo viên thì dường như chỉ dạy cho xong, ít nhận thấy sự tìm tòi, sáng tạo trong cách truyền đạt bài tập và truyền cảm hứng đến học sinh. Dù nhận thấy phần đông học sinh có thờ ơ với môn học nhưng các thầy cô giáo phụ trách môn học này cũng khó khuyến khích bởi lâu nay thể dục vẫn được nghĩ là môn phụ.

Theo thầy giáo Hà Huy Lâm- cựu giáo viên thể dục Trường PTTH Đoàn Kết thì về cơ bản đối với môn giáo dục thể chất là phải có chuyên môn sâu mới đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê thì chỉ có khoảng hơn 10% trường tiểu học có giáo viên chuyên trách môn thể dục, các giáo viên thì ít tìm tòi sáng tạo trong công việc.

Một chuyên gia giáo dục nhiều tâm huyết với vấn đề cải thiện thể chất của người Việt đã chia sẻ: Chúng ta vẫn so sánh với sự phát triển chiều cao vượt bậc của người Nhật, nhưng có lẽ chưa tìm hiểu xem học sinh của họ vận động ra sao.

Vị chuyên gia này cho biết chị đã nhiều lần cùng các chuyên gia người Nhật Bản đứng hàng giờ để quan sát giờ thể dục tại các trường học ở Việt Nam.

Điều khiến họ rất ngạc nhiên là tại sao cả lớp đều tập một môn giống nhau như đánh cầu lông, đá cầu hoặc chạy, trong khi việc lựa chọn một hoạt động theo sở thích, phù hợp thể chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phát triển của từng trẻ là điều cực kỳ quan trọng.

Tại các trường học ở Nhật Bản, môn thể dục được xếp vào giờ ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức dựa trên nhu cầu, khả năng và sở thích của học sinh. Không có sự bắt buộc nếu em không có khả năng hoặc không yêu thích môn học đó.

Trong khi khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của con người bằng bài tập thể chất, là biện pháp tích cực nhất, ít tốn kém nhất mà lại phù hợp với quy luật hoạt động tâm, sinh lý của cơ thể và lứa tuổi thì tại các gia đình Việt Nam, phụ huynh lại vẫn thường ưu tiên việc học tập văn hóa nhiều hơn, việc tham gia học thêm liên miên đã chiếm hết thời gian vận động thể chất của các em.

Phân tích về vấn giá trị của rèn luyện thể chất, ThS Trần Thị Hòa (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) nhận định: Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, có thể giúp hình thành và giáo dục được những phẩm chất đạo đức nhân cách của con người một cách tự nhiên như: Ý chí, lòng dũng cảm, sự quyết tâm, tính kiên trì và nhẫn nại, ý thức đồng đội… Thể thao cũng làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của xã hội; đặc biệt là xây dựng niềm tin và lối sống cho thế hệ trẻ.

Hai Bộ cùng lo cho tầm vóc

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao thể chất con người, Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra tiêu chí: Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, trong đó có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam ...

Cùng với đó, chiều 20/12 vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, hai Bộ sẽ phối hợp đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao trong trường học trong các lĩnh vực: Giáo dục thể chất và thể thao trường học; công tác giáo dục thể chất; hoạt động thể thao trường học; cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

Từng Bộ chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm để hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.

Hằng năm, sẽ có sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, những khuyết điểm, hạn chế và định rõ các nội dung phối hợp công tác cho năm tiếp theo. Kết thúc 5 năm (đến năm 2020), tổ chức tổng kết đánh giá kết quả.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Giáo dục không chỉ trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng mà phải có cả sức khỏe, hướng tới con người phát triển toàn diện gồm đức - trí - thể - mỹ.

Bộ trưởng khẳng định, việc gắn hoạt động thể dục thể thao thành tích cao và rèn luyện sức khỏe trong trường học cũng chính là thực hiện mục tiêu phát triển thể lực tầm vóc người Việt.

Về phía Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng sự phối hợp giữa hai Bộ về rèn luyện, giáo dục thể chất trong nhà trường, hướng tới ươm mầm tài năng cho thể thao thành tích cao là rất thuận lợi.

“Thể thao thành tích cao phải có nền tảng từ thể thao quần chúng, đặc biệt là hoạt động giáo dục thể chất, các cuộc thi phong trào trong nhà trường. Nhưng nếu bắt ép thì sẽ rất khó thành công, mà phải biến việc rèn luyện thể chất thành nhu cầu tự thân của các cháu học sinh, sinh viên”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Ngày 8/7/2016, Chính phủ đã có Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90-95% vào năm 2020; Đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rèn thể lực để nâng trí lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO