Trong đợt rét đậm vừa qua, số người nhập viện do đột quỵ gia tăng tại khắp các tỉnh, thành phía Bắc. Đáng chú ý, không ít ca đột quỵ khi tuổi đời còn khá trẻ.
Thông tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh sâu gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó bao gồm các ca bệnh đột quỵ.
Bệnh viện E cũng thông tin, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.
Còn tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhân đột quỵ trong đợt rét đậm đã tăng hơn 20% so với ngày bình thường. Đáng chú ý, trong đợt rét vừa qua, lượng bệnh nhân đột quỵ là người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng rõ rệt. Trong tuần, có 2 người dưới 40 tuổi vào cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức.
Thông tin từ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, trong những ngày trời rét đậm, nơi này liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh đột quỵ. BSCKI Nguyễn Anh Minh - Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện thông tin, ngày cao điểm, Trung tâm tiếp nhận tới 30 bệnh nhân, tính trong thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi và có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng với những dấu hiệu sinh tồn nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, khoa Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện nơi này đang điều trị trên 50 bệnh nhân, vượt xa so với những ngày chưa rét đậm, rét hại. Bệnh nhân điều trị tại đây hầu hết đều rất nặng. 3 trường hợp trẻ tuổi phải chuyển lên tuyến trên.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), trời lạnh khiến áp lực dòng máu tăng cao, nhiều người tăng huyết áp đột ngột gây đột quỵ. Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ gây co mạch, môi trường lạnh khiến nhiều người mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, là nguyên nhân gây ra đột quỵ não.
TS.BS Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết thêm, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
“Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi” - BS Tuấn Anh lý giải.
TS.BS Đinh Thị Hải Hà - khoa Đột quỵ (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, khi phát hiện có người đột quỵ, nên gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có để chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ. Trong quá trình chờ xe, nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, nôn mửa đặt bệnh nhân ở tư thế hồi sức, nếu bệnh nhân tỉnh, hỗ trợ bệnh nhân nằm thoải mái, theo dõi liên tục.
“Tuyệt đối không cạo gió, chích máu đầu ngón tay… hay chờ đợi bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Bởi lẽ trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng 2 triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với 3,5 năm. Bởi vậy “thời gian là não” đối với bệnh nhân đột quỵ” - BS Hà nhấn mạnh.
Những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng, không nên đột ngột ra khỏi giường. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ C. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm muộn cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.