Thời tiết chuyển mùa, rét đậm rét hại ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi. Trước tình hình đó, các địa phương đã chủ động các giải pháp nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Lào Cai: Tăng cường biện pháp giữ ấm cho gia súc
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, đêm về sáng ngày 14/11, do gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đạt ngưỡng cực đại kéo theo nhiệt độ các khu vực trong tỉnh đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất. Lúc 7 giờ 14/11, các Trạm khí tượng trong khu vực quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi như sau: Thành phố Lào Cai giảm xuống còn 18,4 độ C; thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) 17,7 độ C. Vùng núi Bắc Hà rét đậm 13,8 độ C; thị xã Sa Pa thấp nhất với 11,7 độ C. Đặc biệt, tại Sa Pa tiết trời còn có mưa nhỏ và sương mù giăng kín trời nên càng làm tăng thêm mức độ lạnh rét.
Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất ghi nhận được ở Lào Cai trong đợt lạnh rét này, cũng là mức cực tiểu tính từ đầu tháng 10 đến nay. Nền nhiệt các khu vực trong tỉnh ít biến đổi, thời tiết vùng thấp trời rét nhẹ, vùng núi rét sâu hơn, vùng núi cao rét đậm, có nơi rét hại bao phủ trên diện rộng.
Khi thời tiết chuyển rét cũng là lúc các hộ chăn nuôi trên địa bàn, nhất là tại các địa phương vùng cao Lào Cai khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bởi nếu không làm tốt khâu phòng, chống sẽ gây thiệt hại tới sản xuất và chăn nuôi.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tỉnh Lào Cai, sau khi thu hoạch vụ mùa, phần lớn hộ dân ở Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát... đã chủ động thu gom, phơi khô rơm và cất trữ cẩn thận để làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông; đồng thời, mua bạt quây kín chuồng nuôi gia súc, tránh gió lùa và nước mưa hắt vào.
Với rau, màu, ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi xuất hiện sương muối, người dân cần dùng các biện pháp che chắn, tưới nước trên mặt lá làm tan sương, bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học để tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng.
Đối với vật nuôi, người dân thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo, gieo ngô dày, tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng cách ủ chua, ủ men vi sinh. Lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên; sửa chữa, làm mới chuồng trại, dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng (bạt, tấm nylon lớn…).
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, đang nỗ lực tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc trong mùa Đông- Xuân năm 2023- 2024.
Kon Tum: Hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra
Tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến tháng 10/2023, trên toàn tỉnh, tổng đàn trâu hiện có là 24.084 con, tổng đàn bò là 84.992 con và đàn heo là 164.038 con. Hiện nay, phương thức chăn nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh vẫn là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, chưa áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Phần lớn người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi theo kiểu thả rông, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, đói, rét.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi có thể gây ra trong mùa Đông- Xuân 2023-2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã phối hợp các địa phương, nhất là 3 huyện có điều kiện thời tiết khắc nghiệt là Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo đó, ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, nhất là hộ đồng bào DTTS thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn thả rông sang nuôi nhốt có quản lý; chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc và hiệu quả chăn nuôi.
Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng, gia cố chuồng nuôi đảm bảo phòng tránh mưa, rét cho trâu, bò. Trong quá trình sản xuất, thu gom các phụ phẩm nông nghiệp, làm cây rơm, thu gom lá cây bắp, ngọn lá mía; tận dụng đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng bắp dày để làm thức ăn cho trâu, bò nhằm đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn đội ngũ cán bộ thôn, làng và các hộ chăn nuôi triển khai các phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra, như tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc trong thời điểm mưa, rét; thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả khi nhiệt đới xuống thấp dưới 12oC; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu, bò. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò, hạn chế thấp nhất những thiệt hại người dân trong chăn nuôi trước tác động của thời tiết.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi có thể gây ra trong mùa Đông- Xuân 2023-2024, lãnh đạ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã phối hợp các địa phương, nhất là 3 huyện có điều kiện thời tiết khắc nghiệt là Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.