Rối nước làng Đào Thục: Tái hiện độc đáo 'cái hồn' của văn hóa truyền thống Việt Nam

Thu Quỳnh - Thu Thảo - Thuận Nguyễn 05/05/2023 09:30

Làng Đào Thục nằm bên sông Cà Lồ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Ngôi làng nổi tiếng với loại hình múa rối nước nay thuộc địa phận xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. 

Được biểu diễn ở những sân khấu lớn tại Thủ đô, thu hút khách du lịch bằng sự hiện đại ở không gian trình diễn cũng như sự chỉn chu trong những dịch vụ của nhà hát múa rối, song, để có những trải nghiệm thật nhất, truyền thống nhất về loại hình nghệ thuật dưới nước này, thì làng nghề múa rối nước Đào Thục chính là một điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách.

Làng Đào Thục nằm bên sông Cà Lồ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Ngôi làng nổi tiếng với loại hình múa rối nước nay thuộc địa phận xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá, đến thời Đồng Khánh (1886-1888) được đổi là Đào Thục. Đình Đào Thục tọa lạc ở một vị trí như hiện nay được xây năm 1735 do ông Đào Tướng Công bổ tiền xây dựng, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (1659-1732), làm quan Nội Giám trong Triều Hậu Lê. Đối với làng Đào Thục, ông rất tâm huyết với quê hương, đã cùng dân làng đẩy mạnh sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Tổ chức được các Phường như Phường Thầy, Phường Thợ, Phường Thó (Đóng Cối), Phường Võ và đặc biệt là Phường Rối.

Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh - nghệ thuật thời Hùng Vương gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm. Trên thực tế cho thấy, múa rối tồn tại ở Việt Nam đã trên dưới 1000 năm, phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XII).

Múa rối dân gian Việt Nam cơ bản được chia ra làm 2 hình thức chính: múa rối cạn và múa rối nước. Rối cạn bao gồm đa dạng thể loại như: rối tay, rối que, rối dây, rối bóng, rối mặt nạ, rối nhà mồ, rối lốt… Tuy nhiên, cái đặc sắc và thể hiện được rõ nhất sự sáng tạo của người Việt phải nói đến múa rối nước.

Những nội dung trong tích, trò, vở diễn của rối nước thường mang tính chất mua vui, giải trí; ca ngợi cuộc sống yên bình nơi thôn quê, sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân, đồng thời lên án những bất công trong chế độ cũ... Chất liệu phần lớn được sử dụng trong các vở diễn là các làn điệu chèo, ca trù, tuồng, nhạc cung đình… Chính vì vậy, từ xa xưa, môn nghệ thuật độc đáo này đã được đưa vào triều đình biểu diễn cho dịp mừng thọ vua, không chỉ là nghệ thuật của dân, từ dân mà còn phục vụ trong những dịp lễ, những sự kiện quan trọng trong triều đình.

Còn tại Đào Thục, nghề rối nước đã xuất hiện khoảng 300 năm, được sáng tạo và truyền dạy từ ông tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh. Là một trong những làng nghề truyền thống đầu tiên của môn nghệ thuật này, ngôi làng nhỏ thuộc địa phận xã Thụy Lâm, Đông Anh đã duy trì, gìn giữ và phát triển được nghệ thuật múa rối nước cho đến tận ngày nay.

“Thủy đình” - nơi biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục.

Múa rối nước là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự thông minh, sức sáng tạo của người Việt từ thời kỳ trước được thể hiện rất rõ qua môn nghệ thuật dưới nước này.

Nghệ thuật tạo hình rối

Nói đến nghệ thuật múa rối nước trước hết phải nói đến nghệ thuật tạo hình con rối. Không có nhân vật thì không thể tạo nên một màn trình diễn kể cả khi đã có câu chuyện lẫn cách truyền tải rồi. Nhân vật rối mang tính ước lệ, tượng trưng, việc đầu tư sáng tạo ngay từ khâu đầu tiên, đó là cái khó đồng thời cũng là đặc thù riêng của múa rối.

Kỹ thuật tạo ra một con rối không chỉ cần chú trọng ở khâu tạo hình, mà đặc biệt còn nằm ở chất liệu gỗ được sử dụng để làm ra các nhân vật trong tích trò của rối nước. Vì các con rối được đặt dưới nước biểu diễn, nên cần sử dụng những nguyên liệu như gỗ và chất liệu sơn đặc thù hơn so với rối cạn: chủ yếu làm bằng gỗ sung; sào gắn vào con rối làm bằng tre, dây kéo bằng dây chạc. Phân tích về các loại vật liệu được đưa vào làm rối thủ công tại Đào Thục, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho biết, do tỷ lệ hút nước của gỗ sung thấp, “những loại gỗ khác có thể hút 10, nó chỉ hút 2 thôi”, giúp cho con rối nhẹ hơn, dễ điều khiển nên từ xưa, ông cha đã dùng gỗ sung để làm. Không chỉ đạt yêu cầu về chất lượng, gỗ “sung” ở đây còn tượng trưng cho sung túc - một nét văn hóa tâm linh của con người thời kì trước với niềm tin vào cuộc sống no đủ, ấm êm khi làm nghề.

“Chúng ta chỉ nói nhẹ không, thì chẳng ai nói là tài, mình nói được là gỗ này chỉ hút nước 2 có nghĩa là các cụ ngày xưa là giỏi, đã nghiên cứu được là dùng vật liệu nào hợp, không những là tâm linh mà còn được cả chất lượng” - nghệ nhân Nguyễn Văn Phi tự hào khi nói về cách chọn nguyên liệu của ông cha làm nghề rối thời xưa.

Những sản phẩm đã và đang trong quá trình hoàn thiện tại xưởng làm rối.
Xưởng làm rối thủ công của ông Phi rất kỹ lưỡng trong khâu chọn gỗ.

Sân khấu dưới nước

Một điểm đặc biệt khác khi nhắc đến múa rối nước chính là hình thức sân khấu dưới nước. Đối với môn nghệ thuật biểu diễn đặc biệt này - nước là một yếu tố rất quan trọng, giúp con rối sinh động, hấp dẫn và tạo ra rất nhiều tình tiết bất ngờ kích thích sự tò mò. Tại nhà hát múa rối nước, các màn trình diễn sẽ được chuẩn bị chỉn chu, kĩ càng: sân khấu dưới nước được đặt ở chính giữa, bên cạnh là những nghệ sĩ phụ trách phần âm thanh với nhiều nhạc cụ khác nhau, phía sau mô phỏng mái đình làng truyền thống cùng với tấm rèm tre ngăn cách với buồng trò. Những yếu tố truyền thống đặc trưng trong sân khấu múa rối nước vẫn được tái hiện nguyên vẹn nhất, cho dù ở một không gian hiện đại hơn, đã giúp du khách có một trải nghiệm ấn tượng nhất về loại hình nghệ thuật này.

Những nghệ sĩ múa rối làm việc hăng say phía sau sân khấu.

Tại làng nghề rối nước Đào Thục, các màn biểu diễn được dựng lên giữa ao, hồ với phía trên là kiến trúc đình làng, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Mỗi tích trò của múa rối nước Đào Thục kéo dài khoảng 5-10 phút, trò này gối lên trò kia, không có giới thiệu xen nhau. Cho đến tận bây giờ, múa rối nước Đào Thục vẫn còn giữ gìn những tiết mục từ xa xưa truyền lại như: “Trâu đi cày”; “Lên võng xuống ngựa”; “Tễu bắt ác”; “Đánh cáo bắt vịt”,…

Sân khấu sáng tạo với nhiều tích trò được thể hiện qua những con rối sinh động.

Những người nghệ sĩ múa rối

Không chỉ là một nét sáng tạo, mà cách những người nghệ sĩ “thổi hồn” vào những con rối vô tri chính là sức hút riêng của múa rối nước nói chung và làng nghề Đào Thục nói riêng.

“Người ta nói người nghệ nhân rối nước đang là "cộng hai”: Người ta học trên cạn rồi, nhưng phải xuống điều khiển con rối bằng gỗ như thế nào cho ra cái hồn của người, rất khó. Mình học nhưng mình không tự thực hiện, mà phải đứng đằng sau mành, điều khiển nhân vật bằng gỗ, thì nó là nghệ thuật cộng hưởng, cộng hai đó. Trong phường, 7-8 người diễn 1 ca nhưng không phải ai cũng làm được cả đâu” - ông Phi tâm sự.

Những con rối với nhiều hình tượng nhân vật khác nhau.
Rối hình các con vật cũng được thiết kế rất tỉ mỉ từ hình dáng cho đến màu sắc.

Sự dày công luyện tập, niềm đam mê với nghề diễn rối nước là những yếu tố quan trọng, quyết định đến độ chỉn chu, thú vị của từng sân khấu, từng tích trò mà những nghệ sĩ Đào Thục tạo nên. Song song với nhiệt huyết và tình yêu nghề, người xem mấy ai biết được những nỗ lực đằng sau sân khấu nước của những người nông dân phường rối.

Đoàn nghệ sĩ múa rối bước ra chào khán giả.

Múa rối nước Việt Nam đã đạt đến trình độ nghệ thuật có giá trị cao về tinh thần, đồng thời cũng là một trong những loại hình sân khấu giải trí hấp dẫn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam và tạo nên những ấn tượng khó phai trong lòng những du khách quốc tế khi ghé thăm.

Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức biểu diễn rối nước.

Tại Đào Thục, có những giai đoạn tưởng chừng đã mất nghề, nhất là giai đoạn chiến tranh loạn lạc, phường rối cứ thành lập rồi lại giải tán, lúc thịnh lúc suy. Nhưng đến nay, bằng tâm huyết và tình yêu đối với nghệ thuật múa rối nước, những người nghệ nhân, những người thợ làng Đào Thục đã cùng nhau duy trì, đưa múa rối nước trở thành một hoạt động văn hóa nổi bật, đặc trưng của làng Đào Thục, Đông Anh như bây giờ.

Người dân làng Đào Thục vui vẻ ngồi quanh thủy đình xem diễn rối nước.
Đoàn du khách vỗ tay sau khi thưởng thức màn trình diễn của các nghệ sĩ múa rối.
Tấm ảnh kỉ niệm của du khách ghé thăm Đào Thục.

Một trong những điều khiến Đào Thục là một điểm đến không thể bỏ qua khi nhắc đến trình diễn múa rối nước chính là nội dung của các vở kịch: kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đáp ứng và phù hợp với tiến độ phát triển của xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nếu trong thời kì trước, nội dung trong tích, trò của rối nước làng Đào Thục chủ yếu là ca ngợi sự cần cù, chịu khó của người nông dân hay những câu chuyện dân gian được cụ thể hóa bởi sân khấu dưới nước thì ngày nay, nghệ nhân nơi đây còn sáng tạo một số tiết mục gắn với hơi thở đương đại, nổi bật như vở: “Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.

Con rối mô phỏng máy bay B52 trong vở “Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.

Mới đây, Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định 473/QĐ-BVTTTDL ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh những thành công trong việc phát triển nghề truyền thống Đào Thục, những khó khăn còn ẩn sâu, gắn với cuộc đời của người làm nghề múa rối vẫn còn đó. Hàng năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, phường rối vẫn nhận những đơn đặt hàng đi biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ hội đền Cổ Loa, những tour biểu diễn theo hợp đồng với các công ty lữ hành dành cho du khách trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, người nghệ nhân làng Đào Thục vẫn chưa thể sống được bằng nghề. Chia sẻ từ một trong những người trực tiếp được tham gia vào các buổi diễn, nghệ nhân Nguyễn Viết Cường cho biết, thu nhập từ một buổi biểu diễn tại thủy đình của làng chỉ khoảng 100.000/người. Nếu đi lưu diễn, thu nhập có thể dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

Không có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống, những nghệ nhân có trình độ, tay nghề bỏ ra ngoài làm kinh tế nên không còn những người giỏi nữa, nhất là những người chơi nhạc cụ dân tộc như: sáo, nhị, đàn, tam,... là khó khăn nhất đối với các phường rối nói chung và với phường Đào Thục nói riêng. Không có lớp trẻ đam mê với nghệ thuật này nên những cái nhạc cụ dân tộc dần dần mất đi, thế hệ những người đi trước cũng lần lượt về "chầu tổ tiên" mà chưa có người để truyền lại.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan tự tay chuẩn bị những con rối trước khi diễn.

Việc quan trọng trong giai đoạn thế giới tiếp nhận nhiều thay đổi, các loại hình nghệ thuật khác có thể sẽ thay thế những giá trị văn hóa truyền thống chính là công tác bảo tồn, giữ lửa - giữ nghề.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, những nghệ nhân làng Đào Thục đã gắn bó hơn 30 năm với sân khấu dưới nước đều khẳng định: Nếu họ không truyền nghề cho thì người khác không học được; một người đi trước mà bỏ, không truyền cho người sau, thì tiết mục đấy sẽ mai một và mất đi, kể cả cùng là nghệ nhân rối với nhau cũng không làm được.

May mắn thay, những nghệ nhân cũng như chính quyền xã Thụy Lâm vẫn có những hướng đi và cách truyền nghề riêng, giúp giá trị văn hóa của môn nghệ thuật này không bị mai một ngay trong làng nghề: “Hàng năm, phường đều tổ chức một khoá đào tạo múa rối cho thệ hệ trẻ, cứ vậy đời cha đời chú truyền lại cho đời con cháu với ý nghĩ duy nhất là để tình yêu và ngọn lửa của phường rối sẽ luôn được thắp sáng đời đời” - nghệ sĩ múa rối nước Nguyễn Viết Cường vui vẻ chia sẻ.

Để loại hình múa rối nước Đào Thục vẫn tiếp tục được lưu truyền cho đến ngày hôm nay, mỗi người dân ở làng Đào Thục đều góp một chút công sức để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại: Người chế tác, người biểu diễn, người viết kịch bản, người quảng bá du lịch.

Ngoài những cố gắng trong việc giữ lửa làng nghề, việc truyền thông cho múa rối nước Đào Thục cũng được chăm chút, tích cực hơn. Công việc đầu tiên của anh Nguyễn Thế Nghị - Trưởng ban Văn hóa làng nghề, là đi gõ cửa các công ty du lịch, bước đầu đưa nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vượt ra khỏi lũy tre làng. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá phường rối nước trên các trang mạng xã hội, anh Nghị còn tâm huyết với những hoạt động giữ chân du khách. Ngoài biểu diễn múa rối, phường đã nghĩ ra nhiều hoạt động về trò chơi nhân dân gian như: nhảy bao bố, đi cầu kiều, đi cà kheo. Ngoài ra còn mở thêm các trải nghiệm như thử làm diễn viên tham xưởng sản xuất để trực tiếp tô vẽ con rối.

Phường Đào Thục luôn quan tâm và chú trọng truyền bá văn hoá múa rối nước.

Rối nước Đào Thục sau đó đã được biết đến rộng rãi, những buổi biểu diễn cứ thế tăng dần, khách đến xem tăng dần lên đến vài suất diễn mỗi tuần. Năm 2018, phường rối nước đã đón hơn 5.000 lượt khách đến xem biểu diễn. Đặc biệt, du khách nước ngoài đến thưởng thức rối nước chiếm khoảng 60% tổng lượng khách. Nổi bật trong năm 2018, Đào Thục đã đón khoảng 400 đại biểu Việt Nam và quốc tế là các Đại sứ, phu nhân, phu quân, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đến xem các tiết mục múa rối nước truyền thống ngay tại thủy đình của làng.

Các tổ chức, trường học đã tìm đến Đào Thục để trải nghiệm loại hình nghệ thuật dân gian này. Ảnh: Fanpage Đào Thục.

Năm 2023, khi được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, anh Nguyễn Thế Nghị chia sẻ rằng không chỉ bản thân anh mà toàn thể người dân trong làng đều rất vui mừng và hãnh diện. Đồng thời, anh Nghị cũng xác định trách nhiệm to lớn hơn để làm sao bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước dân gian của phường đến với công chúng trong nước và thế giới.

Công tác bảo tồn của làng Đào Thục tốt hơn so với các nơi là một lợi thế, kết hợp với sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan quản lý văn hoá như Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đông Anh, Sở Văn hoá Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, chắc chắn nghệ thuật múa rối nước Đào Thục sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng tốt hơn.

Tác giả: Thu Thảo - Thu Quỳnh - Thuận Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rối nước làng Đào Thục: Tái hiện độc đáo 'cái hồn' của văn hóa truyền thống Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO