Rối nước làng Ra thuộc thôn Phú Hoà, xã Bình Phú (Thạch Thất, TP Hà Nội) được đánh giá như một trong những phường rối có lịch sử lâu đời nhất nước ta. Bao thế hệ con em trong làng, hết lớp thế này đến lớp thế hệ khác, không ngừng tiếp nối truyền thống giữ nghề, đem rối đi dọc ngang khắp tứ xứ. Nhưng công cuộc giữ nghề xem ra thật sự vất vả, nặng nhọc, trước sức ép của cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Đoàn trong một chuyến đem rối làng Ra đi biểu diễn ở Hà Giang.
Chúng tôi đến thôn Phú Hoà vào một ngày cuối tháng 10. Từ đầu làng đã nghe rõ mồn một những tiếng đục đẽo lách cách, những tiếng cưa máy réo rít ầm ầm và những sản phẩm đồ mộc tinh xảo nằm ngồn ngang choán hết mọi lối.
Gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Đoàn, ông cho hay: “Nói về cái nghiệp rối nước thì nó buồn lắm, buồn không muốn kể. Tôi quá nửa cuộc đời gắn bó với nó rồi. Đôi khi tôi cứ tự hỏi rồi tự trả lời, không biết có phải vì trót lỡ mang cái đặc trưng độc nhất vô nhị là biểu diễn trên mặt nước mà rối nước Việt Nam phải trọn đời gánh cái nghiệp nổi nênh hay không?”
Ông Đoàn bảo, rối nước làng Ra do Thiền sư Đạo Hạnh truyền dạy. Trong chuyến đi tìm vùng đất tịnh tâm tu hành, tìm phương thuốc cứu đời, đến vùng đất làng Ra, thấy phong cảnh hữu tình, dân tình hiền lương, chăm chỉ làm ăn, Thiền sư đã dừng chân dạy nghề rối nước và cho ba mẫu ruộng cấy cày lấy kinh phí hoạt động. Từ bấy, Thiền sư Đạo Hạnh trở thành vị tổ nghề của làng.
Hàng năm, cứ đến lễ hội chùa Thầy, dân làng Ra lại đến biểu diễn rối nước để tưởng nhớ công ơn người thầy. Toà thuỷ đình nổi lên giữa lòng hồ nước nằm dưới chân núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai chính là sản phẩm mà người dân làng Ra làm để nhớ ơn vị ân sư.
Tính chi li, cũng có đến một thiên nhiên kỉ nay, rối nước đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Trong thời buổi hiếm hoi và lạc hậu của các loại hình nghệ thuật truyền thống, rối nước vẫn sống len lỏi khắp các phường hội, góp phần đắc lực tạo nên diện mạo văn hoá tinh thần của nông dân Việt Nam.
Hiện nay cũng chỉ có trên dưới 10 làng là còn giữ được nghề làm rối nước ở các địa phương Hà Nội, Thái Bình, Nam Đình, Bắc Ninh…
Theo ông Đoàn, trình diễn rối nước về cơ bản thì giống nhau, nhưng kĩ thuật và cách làm cũng có nhiều sự khác biệt. Nếu như ở các nơi khác thường trình làng một khúc dạo đầu bằng màn chú Tễu giáo trò, pha trò thì ở làng Ra lại “xuất vở” bằng hình ảnh một ông tướng cầm loa.
Thời kì “ăn nên làm ra” nhất của rối nước Phú Hoà vào khoảng 10 năm về trước. Hầu như ngày nào cũng có những vị khách, đoàn khách trong nước và quốc tế đến xem. Rồi có một thời, người dân làng Ra ôm hàng mấy chục con rối nước, cùng “đồ nghề” lỉnh kỉnh lên máy bay đi khắp tứ xứ biểu diễn. Nhưng đó là chuyện xưa.
Ba bảy năm nổi chìm cùng con rối, đời ông Đoàn sẽ chẳng quên được những ngày phường hội vắng ngơ vắng ngắt. Hàng loạt nghệ sĩ rối nước phải giải nghệ vì cơm áo gạo tiền. Ai còn đeo đẳng thì phải làm thêm nghề phụ kiếm ăn. Mỗi khi được mời đi biểu diễn, các nghệ sĩ phải rất cân nhắc để đỡ phần tốn kém.
“Tòa thủy đình từng nhiều lần diễn cho khách được xây dựng năm 1992 nhưng nay bỏ hoang bên ao làng. Chúng tôi nghĩ đủ cách mà chưa tìm được “chiếc phao cứu sinh” cho phường rối. Loanh quanh cũng chỉ gọi là làm du lịch, có biểu diễn… Phải có thu nhập thì nghề rối mới có thể phát triển” - ông Đoàn trăn trở.
Hiện giờ, phường rối nước làng Ra có 22 nghệ nhân. Lứa “trẻ” trong phường là những nghệ nhân độ tuổi từ 35 đến 40, lứa “trung” thì cũng đã 50, 60 tuổi! Người làng Ra không ai không yêu mến rối. Vậy mà lâu nay chưa thể đào tạo được lớp kế cận vì chưa có điều kiện. Ông Đoàn bảo rằng, nhìn cảnh hoạt động đìu hiu của phường rồi làng Ra và rất rất nhiều phường rối khác, ông tự hỏi rồi đây rối nước sẽ đi về đâu? Chả có lẽ nào rối nước không thể thoát khỏi cái ao làng, nơi mà nó được sinh ra?