Kinh tế

Rót vốn vào hạ tầng, công nghệ

H.Hương 15/04/2025 06:29

Chủ trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số được các ngân hàng thương mại hưởng ứng.

Hiện một số ngân hàng đang tham gia tài trợ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Chẳng hạn Agribank ký một hợp đồng tín dụng “khủng” với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Trước đó, Vietcombank đã tham gia tài trợ dự án Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành. Trong khi VIB cũng tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện, trong đó gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV.

Đại diện VIB cho biết, ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.

Giới chuyên gia nhận định, xuất khẩu thời gian tới nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan mới của Mỹ. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng và cũng là trọng tâm rót vốn của ngân hàng.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các DN, đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm triển khai.

Nhận định về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tín dụng, năm nay, các ngân hàng tập trung cho vay nhiều các dự án hạ tầng, như sân bay, đường cao tốc, nhà ga, đô thị vệ tinh của dự án…

“Dự kiến, từ cuối năm 2025, hàng loạt đại dự án quan trọng sẽ được triển khai. Từ năm 2026, mỗi năm dự kiến có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế. Để huy động đủ vốn cho các đại dự án này, ngoài ngân sách, cần có sự tham gia của các ngân hàng” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của người dân và DN nói chung, cũng như các DN đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số nói riêng. Các tổ chức tín dụng đã tài trợ nguồn vốn lớn cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, điện và công nghệ số, giúp các DN triển khai các dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với mục đích hỗ trợ các DN đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội, gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được tung ra.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp bàn với các ngân hàng thương mại (NHTM) để lưu ý thực hiện việc triển khai chương trình này và được các NHTM đồng tình ủng hộ.

Về cơ chế cho vay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các NHTM. Các ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp. Các khoản vay trong khuôn khổ gói tín dụng vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn, nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ…

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia Chương trình tín dụng theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 2627/VPCP-KTTH. Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật.

Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy DN đầu tư hạ tầng, công nghệ số...

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam chia sẻ, vốn của DN tư nhân hầu hết đều dựa vào ngân hàng. Để DN bứt phá, đề nghị ngành ngân hàng có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho vay đổi mới sáng tạo của DN. Vì nếu không đầu tư vào công nghệ, DN rất khó đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rót vốn vào hạ tầng, công nghệ