Sức khỏe

Rủi ro khi ăn côn trùng, nấm rừng

Đức Trân 25/07/2024 06:39

Không ít người đã phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ăn phải những loại nấm độc, côn trùng mang độc tố. Số người nhập viện vì nguyên nhân này tăng cao đặc biệt trong mùa hè, bởi đây là thời điểm nhiều loại côn trùng, nấm rừng sinh sôi và phát triển.

bai-chinh(1).jpg
Bệnh nhân nhập viện do ăn nấm độc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, nơi này đã tiếp nhận 6 người (đều trú tại bon Bù Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.

Qua quá trình thăm khám ban đầu, các bác sĩ đã chẩn đoán 6 bệnh nhân trên có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do ăn nhầm nấm có độc.

Khai thác tiền sử cho thấy, trước đó một ngày, các bệnh nhân hái nấm trên một khu rẫy rồi về chế biến thành món ăn. Sau khi ăn xong một thời gian, mọi người bắt đầu có những biểu hiện như chóng mặt, nôn, ói… nên đã đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Sau khi xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, các bác sĩ tại Khoa hồi sức cấp cứu chống độc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp đã đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp, giúp 6 bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Vừa qua, tại bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn nấm rừng khiến hai cháu nhỏ thiệt mạng. Cụ thể, bà Ly Phì Xó, ở bản Phìn Khò chế biến thức ăn, trong đó có món nấm do các cháu của bà hái trên nương. Khoảng 19h cùng ngày, 7 bà cháu cùng ăn cơm với món canh rau bí nấu nấm. Sau vài giờ dùng cơm tối, các cháu Phùng L.D. (9 tuổi) và Phùng M.D. (11 tuổi) kêu đau đầu, chóng mặt, đau bụng nhiều và nôn, những cháu còn lại có dấu hiệu đau bụng ít và buồn nôn.

Khoảng 0h, cháu Phùng L.D. tử vong tại lán nương, sau đó 2 ngày, cháu Phùng M.D. cũng thiệt mạng. Bà Ly Phì Xó không thông báo chính quyền địa phương mà tự chôn cất các cháu tại nương. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Công an xã Bum Tở đã đưa 4 cháu bé và bà Xó xuống Trung tâm Y tế huyện Mường Tè khám, cấp cứu và được chẩn đoán nghi ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc.

Qua sự việc vừa qua, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc. Chỉ ăn nấm khi xác định rõ đấy là nấm lành tính và ăn được. Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho động vật ăn không chết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc... Khi có những biểu hiện nghi ngờ bị ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Mới đây, tại Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.T. (42 tuổi, ở Yên Bái) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, yếu cơ tứ chi, tiêu cơ vân, suy thận cấp. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn sâu ban miêu.

Không chỉ ngộ độc sâu ban miêu, mới đây, một nữ bệnh nhân (33 tuổi, ở Vĩnh Long) đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn đuông dừa. Cụ thể, sau khi ăn hai con đuông dừa khoảng 3 giờ, nữ bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, da nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người, kèm theo cảm giác mệt, khó thở. Gia đình đã lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cấp cứu. Sau quá trình thăm khám và khai thác bệnh lý, bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị ứng dọa sốc do ăn đuông dừa và nhanh chóng cho bệnh nhân truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, corticoid.

Trước các vụ ngộ độc do ăn côn trùng được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lý giải, ngoài những món quen thuộc được chế biến từ nhộng, châu chấu, cào cào..., người dân vùng núi còn bắt và chế biến các loại côn trùng lạ như bọ xít, sâu, bọ cạp, ve sầu và coi là đặc sản…

Hơn nữa, nhiều người còn cho rằng, côn trùng vốn là thực phẩm tự nhiên nên bảo đảm sạch và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thế nhưng, các chuyên gia cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận, người dân dễ nhầm lẫn côn trùng ăn được với loại không ăn được, có chứa độc tố.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như: Mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tê môi, miệng, khó thở… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rủi ro khi ăn côn trùng, nấm rừng