Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ vỡ hụi (họ) hàng chục tỷ đồng khiến nhiều gia đình điêu đứng, tan nát. Đáng chú ý, hầu hết những người chơi hụi là phụ nữ và người nghèo. Người góp hụi bị mất trắng khi chủ hụi tuyên bố không có khả năng chi trả. Chính vì vậy mà Bộ Công an đã phải thêm một lần cảnh báo.
Cách đây không lâu, một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam rúng động vì vụ vỡ hụi cả trăm tỷ đồng. Gần 90% tiểu thương buôn bán ở chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên) tham gia góp hụi cho một người phụ nữ. Tuy nhiên, khi mà lời hứa về lãi suất hấp dẫn chưa được thực hiện thì người phụ nữ này đột ngột mất tích khiến hàng trăm tiểu thương thẫn thờ, đứng ngồi không yên, bỏ bê cả buôn bán. Mỗi ngày, người góp ít từ 10.000 đến 20.000 đồng, người góp nhiều thì vài trăm nghìn đồng. Khi chủ hụi “mất tích”, người góp ít có nguy cơ bị mất khoảng vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đồng. Có nhiều người mất đến 1,2 tỷ đồng.
Hay như vụ vỡ hụi tại xã Thái Học (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), với lời mời chào lãi suất gần 20%/ tháng, chủ hụi lại là người “uy tín”, hàng trăm hộ dân đã tin tưởng để rồi có nguy cơ mất trắng.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã ra khuyến cáo tới người dân, cần cảnh giác khi tham gia hụi (họ). Theo Bộ Công an, việc tham gia hụi, họ với mục đích ban đầu là để tương trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin. Không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ họ không cần tài sản đảm bảo. Mặc dù pháp luật đã quy định việc tham gia họ phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi, họ hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người tham gia sẽ khó có thể được bồi thường một cách đầy đủ.
Theo cảnh báo của Bộ Công an, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hụi (họ) như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng); nắm rõ về điều kiện của chủ họ, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ họ; yêu cầu chủ họ cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi họ, số tiền góp họ, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ họ, các thành viên góp họ để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau, nếu có; lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi.
Đặc biệt, nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây họ trở lên hoặc số tiền góp họ từ 100 đồng triệu trở lên thì phải báo cho UBND cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm.
Cảnh báo là vậy và người tham gia chơi hụi cũng biết rủi ro nhưng không vì thế mà các đường dây hụi giảm bớt.
Có thể dẫn chứng vụ vỡ hụi tại xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuân Nam, tỉnh Bình Thuận) lên tới 200 tỷ đồng, khiến hơn 800 người khóc ròng. Thời gian đầu, chủ hụi thanh toán sòng phẳng nên người tham gia tin tưởng và tiếp tục chơi ngày càng nhiều, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Hay tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) 500 người bị hại với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng. Cho dù Công an áp dụng các biện pháp đảm bảo việc giữ gìn tài sản, trong đó có phong tỏa tài khoản, không cho mua bán bất động sản, sẽ kê biên nhà cửa không cho sang nhượng, nhưng người góp hụi vẫn cầm chắc “phần thua”.
Vậy, giật hụi bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật hình sự? Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 19/2019 của Chính phủ thì giao tiền hụi cho các hụi viên khi đến kỳ chính là nghĩa vụ của chủ hụi. Nếu chủ hụi đến kỳ hạn mất khả năng thanh toán thì cũng được xem là một trường hợp của giật hụi. Trường hợp khác là chủ hụi ôm tiền bỏ trốn, cố ý trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền cho các hụi viên. Hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017.
Trong trường hợp chủ hụi có hành vi trên, các hụi viên có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng trên gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Tuy nhiên quan trọng nhất là người dân cần hết sức tỉnh táo khi tham gia các dây hụi, và chính quyền cơ sở cũng không thể đứng ngoài cuộc để mặc người dân tự chịu rủi ro.