Khi chụp X-quang đầu của một con cá, một nhà sinh vật học đã giật mình khi phát hiện ra sinh vật kỳ lạ đã hoàn toàn thay thế lưỡi của vật chủ.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy sự tồn tại của loài rận ký sinh trong miệng cá.
Được biết đến với cái tên rận ăn lưỡi, sinh vật ký sinh này chuyên hút máu từ lưỡi cá. Cho đến khi toàn bộ cấu trúc khô héo, chúng sẽ nằm luôn trong miệng cá và chiếm vị trí của cơ quan trong miệng con cá vẫn còn sống.
Nhà sinh vật học Kory Evans, trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Sinh học tại Đại học Rice ở Houston, Texas, đã phát hiện ra sinh vật ký sinh khi thực hiện X-quang bộ xương cá.
“Nó trông giống như có bộ hàm thứ hai trong cổ họng, giống như trong phim viễn tưởng”, Kory Evans cho biết.
Có khoảng 380 loài rận ăn lưỡi, hầu hết chúng nhắm vào một loài cá cụ thể với tư cách là vật chủ. Rận ăn lưỡi cá chủ yếu xâm nhập vào cơ thể cá qua mang. Chúng sẽ bám vào lưỡi và bắt đầu kiếm ăn, giải phóng chất chống đông máu để giữ cho máu lưu thông.
Theo Bảo tàng Úc, loài ký sinh trùng này bám rất chặt lấy phần gốc của lưỡi cá bằng bảy cặp chân, làm giảm lượng máu cung cấp, khiến cơ quan này bị teo và rụng đi.
Kể từ thời điểm đó, rận ăn lưỡi sẽ đóng vai trò như một chiếc lưỡi sống của cá để tiếp tục hút chất dinh dưỡng. Sự hợp tác bất đắc dĩ này giữa một con cá và rận ăn lưỡi thậm chí có thể tiếp tục trong nhiều năm.