Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, từ đầu năm tới nay khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra gần 3.500 vụ phá rừng. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 440 vụ, nhưng diện tích bị phá lại lên tới hơn 350ha, tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ, trong đó có một số vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng.
Các tỉnh Đắk Nông, Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng là 4 tỉnh có nạn phá rừng phức tạp nhất. Trong đó, Đắk Nông rừng bị phá 191ha; Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng đều có những vụ phá rừng lớn, với diện tích bị phá trắng từ 10 đến hơn 40ha.
Ông Tô Xuân Đam- phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho biết, diện tích bị mất đa phần do chủ rừng lỏng lẻo trong quản lý, một số doanh nghiệp không giữ tốt diện tích đất rừng được giao nên đã tạo điều kiện để các hộ dân vào xâm lấn, canh tác nên diện tích bị phá gia tăng.
Đắk Nông là một trong những điểm nóng phá rừng của cả nước. Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã có kết luận thanh tra về việc một doanh nghiệp được tỉnh cho thuê rừng, nhưng nhanh chóng để mất tới 53ha mà không báo cáo. Hồ sơ của 16 vụ phá rừng trong dự án này đang được chuyển giao cho cơ quan công an để tiếp tục làm rõ.
Cụ thể, đơn vị để mất rừng và bị thanh tra là Hợp tác xã Hợp Tiến- doanh nghiệp được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê hơn 1 nghìn 200ha rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong vào tháng 2-2016. Thế nhưng sau hơn 1 năm được bàn giao đất trên thực địa (từ tháng 3/2016 đến nay), ngoài 53ha bị phá, 270ha khác trong dự án này đang bị tranh chấp phức tạp.
Thanh tra Sở TNMT Đăk Nông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ngày càng phức tạp là ranh giới đất giữa người dân và HTX chưa rõ ràng; người dân lấn chiếm, canh tác trên đất lấn chiếm đã nhiều năm nhưng các ngành chức năng không xử lý dứt điểm.
Liên quan đến dự án cho thuê rừng này, ông Lê Quang Dần- phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, trên cơ sở kết luận thanh tra của Sở TNMT, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã lập hồ sơ từng vụ việc trong vụ phá 53ha rừng tại đây, trong đó, sẽ chuyển cho cơ quan công an 16 vụ phá rừng có tính chất hình sự.
Theo số liệu thống kê 53 ha rừng bị phá của HTX theo báo cáo của Sở TNMT thì đến thời điểm hiện tại, lực lượng kiểm lâm cũng lập hồ sơ xử lý được 39 vụ với 38,2ha, chuyển xử lý hình sự là 16 vụ tương đương 22,64ha. Ông Dần cho biết, trách nhiệm của HTX Hợp Tiến cũng sẽ được làm rõ sau khi cơ quan công an làm sáng tỏ các vụ việc.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện vấn đề nóng nhất là sắp xếp, chuyển đổi các công ty lâm nghiệp. Trong giai đoạn chuyển giao này, hàng ngàn hecta rừng đang được quản lý bảo vệ tạm, chưa có chủ rừng cụ thể nên tình trạng phá rừng lấn chiếm đất để lấy đất sản xuất đang diễn ra rất phức tạp.