Chúng tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu về rừng phòng hộ từ con đường nối Bản Kà Reng thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông lên xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Không ít nơi tại rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (Quảng Trị), nhiều cây gỗ bị đốn hạ.
Đây là con đường dài khoảng 15 cây số do Tổng công ty Tân Hoàn Cầu thi công băng qua vùng cao để chuyên chở nguyên, vật liệu xây dựng nhà máy điện gió Hướng Linh với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng. Đường xuyên qua núi rừng hiểm trở thuộc khu vực rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông. Cũng từ khi con đường khởi công từ cuối năm 2016 thì cũng là lúc rộ lên thông tin rừng phòng hộ bị tàn phá...
Rẽ vào Km 52 thuộc Quốc lộ 9 đến với công trình thủy điện Khe Nghi của Công ty cổ phần năng lượng Quảng Trị đang thi công. Vượt qua những đoạn đường khó khăn và cả những trở ngại do bảo vệ công ty gây nên, chúng tôi đã đến được khu vực rừng bị phá hại. Dấu vết phá rừng phòng hộ đã hiện ra trước mắt, ngay bên cạnh con đường mới mở. Nhìn quang cảnh này có thể hình dung phần nào sự phá rừng ngang nhiên của lâm tặc trong thời gian qua.
Men theo sườn núi bên cạnh con đường, những cây gỗ bị đốn hạ, bị cưa xẻ dọc lối đi. Hầu hết dấu vết phá rừng vẫn còn rất mới, từ dấu cắt ngang gốc cây cho đến dấu cưa xẻ và mùn cưa còn giữ nguyên màu chưa thay đổi. Có cả những cây gỗ bị cưa xuống nhưng thấy rỗng ruột thì bị bỏ lại. Từ thấp lên cao, từ ngoài vào trong, tất cả những cây gỗ rừng có thể dùng được việc đều bị thanh toán một cách không thương tiếc. Rõ ràng rừng phòng hộ đã và đang bị tàn phá bởi những bàn tay không thể nói là thiếu chuyên nghiệp.
Theo ông Trần Văn Tý- GĐ Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, dù đã có nhiều cố gắng nhưng lực lượng mỏng, lâm tặc nhiều thủ đoạn nên vẫn không bắt được thủ phạm phá rừng. Thống kê của cơ quan chức năng thì đã có gần 150 cây gỗ rừng phòng hộ bị đốn hạ. Ông Khổng Trung- Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị khẳng định tình hình phá rừng, hơn nữa đây là rừng phòng hộ là nghiêm trọng, cần phải có biện pháp quyết liệt mới có thể giữ rừng.
Mất rừng đã trở thành hiện tượng thời sự rất đáng quan tâm đã và đang đặt ra những chuyện rất hệ trọng trước hết đối với ngành NN&PTNT và chính quyền các địa phương. Cần phải nhìn thấy nguy cơ này một cách thường trực để có thể tìm ra những phương cách đối phó một cách căn cơ và hữu hiệu, thay vì những khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng thông thường và những cuộc vận động còn nặng về hình thức hoặc những cách làm hành chính hóa và không đi vào thực chất.