Theo khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Chính phủ ban hành, thời gian đào tạo Đại học (ĐH) rút ngắn xuống 1 năm, xuống còn từ 3-5 năm thay vì 4-6 năm như trước đây. Nhiều trường ĐH cho rằng, sự thay đổi này là hợp lý trong khi vẫn cân nhắc sửa chương trình đào tạo.
Ảnh minh họa.
Giảm thời gian đào tạo, tăng tự học
Theo ông Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), thời gian đào tạo rút ngắn xuống còn từ 3-5 năm là phù hợp với hình thức đào tạo theo tín chỉ, xu hướng hội nhập quốc tế.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ gần chục năm nay. Số sinh viên tốt nghiệp sớm thường khoảng nửa năm (chiếm khoảng 10 – 20%) nhưng chưa có em nào tốt nghiệp 3 năm cả vì còn tùy thuộc vào tiến độ. Đào tạo theo tín chỉ linh động, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại cũng như khả năng học của sinh viên.
120 tín chỉ này người ta xây dựng cho 4 năm nhưng học sinh sẽ học tăng lên, chia 4 thì mỗi năm học 30 tín chỉ, chia thành 2 kỳ mỗi kỳ 15 tín chỉ, 3 tín chỉ một môn học, 5 môn thì quá ít thì học sinh có thể tăng lên gấp rưỡi, ví dụ có thể tăng lên học đến 40 tín chỉ, còn 1 kỳ hè có thể học thêm 10 tín chỉ. Cứ như thế tích lũy lại 3 năm là có thể tốt nghiệp.
Tương tự, Trường ĐH Thủy lợi cũng đã thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo ở một số khối ngành. Ông Nguyễn Tuấn Anh (ĐH Thủy lợi) cho biết, mặc dù rút ngắn thời gian đào tạo nhưng số tín chỉ vẫn phải đảm bảo.
Những môn nào không cần thiết, có thể nén vào và tăng thời gian tự học của các em. “Ví dụ 1 môn trước đây 45 tiết thì giờ 30 tiết thôi.
Có thể vẫn duy trì số đầu môn nhưng thời gian của 1 môn thì giảm đi. Bây giờ mình có điểm khác đi là mình cung cấp những kiến thức cơ bản, còn những cái cụ thể có lẽ là công đoạn sau.
Thường các nước các có phần đào tạo kỹ năng làm việc các doanh nghiệp, hiện nay cái đấy cũng phải bàn, có thể những môn nào không cần thiết để các em tự học bên ngoài, môn nào cần thiết thì mới đưa vào chương trình”, ông Tuấn Anh cho biết.
Sửa chương trình hợp lý, cân nhắc các khối ngành đặc thù
Theo ông Bùi Đức Triệu, các khối ngành xã hội ví dụ kinh tế xã hội, luật có thể rút ngắn được. Trong khi đó các ngành khác như kĩ thuật, y cần cân nhắc.
Các ngành kinh tế từ 4 năm rút xuống 3 năm, các em có thể trả sớm được 3 năm cũng hoàn toàn có thể nhưng các em phải tích cực rất lớn.
Ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) cho biết, việc chuyển đổi thời gian đào tạo nên được tạo điều kiện. Tuy nhiên, khi áp dụng trong điều kiện Việt Nam phải cân nhắc để đảm bảo chất lượng và phù hợp thực tiễn.
Ví dụ ở Pháp, Anh các trường ĐH kỹ thuật thông thường 4 năm nhưng cũng có trường 3 năm. Những trường 3 năm thì thạc sỹ phải 2 năm, 4 năm thì thạc sĩ 4 năm nhưng quan trọng là nhất là người ta có quá trình dự bị. Ở Pháp để thi vào trường kỹ thuật rất khó, phải 1 -2 năm dự bị.
Ở Anh cũng có trường dự bị. Qúa trình ấy thực ra trên thế giới có quá trình chuẩn bị rất quan trọng, thứ nhất để người học chuẩn bị. Thứ hai, để định hướng bởi vì trong quá trình chuẩn bị như vậy anh có thể định hướng bởi vì trong quá trình chuẩn bị có sự định hướng, nếu như cần thiết bậc ĐH thì vào thêm bậc ĐH để học tốt hơn, không cần thì học nghề và học những ngành khác để có những định hướng nghề nghiệp sau này.
Ông Đức cho rằng, khung đã đúng rồi nhưng nên áp dụng thế nào cho hợp lý. Hiện nay khung chương trình của Việt Nam theo luật phải 120 tín chỉ trong khi đó so sánh chương trình 3 năm của ta với 3 năm của họ thì phần ngoại ngữ, môn chung rất nhiều.
Khối lượng kiến thức làm thế nào cho đủ. “Tôi cho rằng 3 năm là tối thiểu thôi còn với ngành kỹ thuật thậm chí có thể là 4 năm. Hiện nay các nước cũng như vậy. Cũng có một số trường đào tạo hệ 3 năm và 4 năm”.
Rút ngắn thời gian sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh tiếp theo, ví dụ sửa đổi khung chương trình. Trước kia từ 4-6 năm ĐH chúng ta có thể có song bằng nhưng bây giờ 3 năm có được song bằng như thế không.
“Ngay ở nước ngoài chưa phải 2 bằng độc lập, chỉ 1 bằng mà 2 chuyên ngành mà đã 4 năm-4,5 năm. Nhưng giờ có xu hướng trong vòng 1 năm có 2 bằng chính quy đồng thời. ĐHQG Hà Nội yêu cầu 6 năm nhưng giờ chỉ còn 3 năm thì điều này còn trong quy chế không? Nếu còn phải như thế nào? Thế giới thì như vậy và khung chúng ta đã cập nhật hội nhập theo chuẩn thế giới để đáp ứng, đó là cái rất tốt nhưng khi áp dụng chúng ta phải có hướng dẫn quy định cân nhắc rất kĩ”, ông Đức chia sẻ.