Sắc bùa Phú Lễ

Minh Ánh 08/01/2017 09:05

Đến xã Phú Lễ (Ba Tri, Bến Tre), người ta nói đến điệu sắc bùa ngày Xuân. Thời gian chảy trôi, điệu hát sắc bùa nơi đây cũng có phần mai một. Tuy nhiên, nỗ lực đưa hát sắc bùa trở lại trong đời sống nhân dân nhất là dịp Tết đến Xuân về đang được địa phương này thực hiện…

1. Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khoảng giữa cuối thế kỷ 18, và tồn tại đến những năm 70 của thế kỷ 20. Chuyện kể rằng, ông Trần Văn Hậu khi làm quan ở Bình Định thấy điệu hát sắc bùa hay đã đem về dạy cho người dân Phú Lễ hát khi ông về làm rể ở xứ này.

Khởi xuất từ xã Phú Lễ, hát sắc bùa Bến Tre đã lan tỏa đến với các xã khác. Tuy nhiên, cộng đồng hoạt động mạnh nhất là bà con tại các xã của huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm. Sau một thời gian có vẻ im ắng, mấy năm gần đây, hát sắc bùa đã sống lại cùng với những ngày Tết đến, xuân về và lễ hội ở địa phương Bến Tre. Qua tìm hiểu, bà con địa phương cho biết, hằng năm, cứ độ khoảng 27, 28 tháng Chạp, các thành viên của đội hát tụ tập lại để tập dợt lại cho thuần thục. Đến đêm 30 Tết thì bắt đầu lên đường đi lưu diễn.

Ngoài đáp ứng nhu cầu vui xuân đón Tết, hát sắc bùa còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân năm mới là cầu bình an gia đạo, trừ đuổi tà ma và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho khách du xuân.

Trải qua bao nhiêu năm, điệu hát sắc bùa đã bị ảnh hưởng bởi những dòng nhạc hiện đại, những người trẻ ở Phú Lễ bây giờ không còn ai biết hát điệu sắc bùa nữa. Vì thế, đến nay, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này đã ít nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.

Theo ông Lư Văn Hội- Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre, “hát sắc bùa Phú Lễ là một trong 6 hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre. Những hình thức này cái nào cũng có nguy cơ mai một rất cao. Đặc biệt là hát sắc bùa nguy cơ mai một cao hơn nhiều so với các hình thức diễn xướng khác. Bởi vì nghệ nhân đã qua đời rồi. Môi trường để cho hát sắc bùa tồn tại không còn phù hợp như trước đây”.

Được biết, vào cuối năm ngoái, UBND xã Phú Lễ, huyện Ba Tri đã ra mắt đội hát sắc bùa với 21 thành viên. Các thành viên trong đội hát sắc bùa của Bến Tre đã trở thành những người tiên phong trong việc học hỏi, truyền đạt loại hình văn hóa dân gian cho thế hệ kế thừa, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Cũng theo ông Lư Văn Hội, trong quá trình khôi phục, bảo tồn loại hình hát sắc bùa Phú Lễ, có nhiều lớp truyền nghề hát sắc bùa đã được hỗ trợ, truyền dạy cho người dân. Đến nay, Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre đã tổ chức truyền dạy hát sắc bùa cho 40 người là những hạt nhân nòng cốt của diễn xướng hát sắc bùa tại địa phương. Đáng chú ý trong số này có 20 bạn còn rất trẻ ở tại cái nôi sắc bùa- là học sinh Trường THCS xã Phú Lễ đã được truyền dạy bài bản.

2. Ngoài hát sắc bùa ở Bến Tre, loại hình này hiện vẫn phổ biến ở các tỉnh thành như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… So với các địa phương khác, hát sắc bùa ở Bến Tre có phần khác biệt: về nhạc cụ, gồm có 1 đờn cò, 1 trống cơm, sanh tiền và sanh cái chia đều cho các thành viên. Mỗi thành viên trong đội vừa là nhạc công vừa là diễn viên, hát theo lối cái kể - con xô. Đội ít nhất 4 thành viên, thành viên phát triển theo số chẵn nhưng nhiều nhất không quá 12 người và mỗi thành viên sử dụng 1 nhạc cụ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra: mỗi buổi hát sắc bùa chia 3 phần rõ rệt: phần nghi lễ, phần hát chúc phúc, chúc nghề giúp vui và phần kết thúc, giã từ đi ra. Từ cái nôi ban đầu ở xã Phú Lễ, nay hát sắc bùa đã lan tỏa sang nhiều xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), Tân Thanh, Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm)…

Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, các ông bầu còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa.

Theo ghi chép, thời kháng chiến chống Mỹ hát sắc bùa vẫn tồn tại, bên cạnh các bài hát truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa, chủ yếu là nghệ nhân chơi sanh tiền đảm nhận nhưng hình thức này nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ đánh sanh tiền chứ không múa. Một thay đổi khác là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi tà (thể hiện ngay trong tên gọi) cũng ít đi, cơ bản giản lược so với trước.

Theo ông Nguyễn Văn Chấn- đội trưởng đội hát sắc bùa Phú Lễ, lời ca điệu diễn sắc bùa vừa đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ, tình cảm của người nghe, người xem vừa kết nối mối quan hệ giữa người và người, con người với thiên nhiên và với môi trường xã hội.

Còn nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng ví von, diễn xướng sắc bùa Phú Lễ là cách chúc Tết độc đáo của người dân Bến Tre nói riêng, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Qua khảo sát điền dã còn cho thấy, không chỉ diễn ra vào dịp Tết cổ truyền, giờ đây đội hát sắc bùa Phú Lễ còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của ban khánh tiết và chính quyền địa phương. Đây cũng là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc mà tỉnh Bến Tre đã xác định cần lưu giữ và bảo tồn.

Theo đó, từ những năm 1980 trở lại đây, hát sắc bùa Phú Lễ đã được nhiều nhà khoa học xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tập trung tiếp cận và dày công sưu tầm. Được biết, nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị, nghệ thuật diễn xướng dân gian hát sắc bùa Phú Lễ hiện đang được UBND tỉnh Bến Tre giao Sở VH-TT&DL hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hát sắc bùa có 2 phần. Phần mang tính nghi lễ và phần giúp vui. Phần nghi lễ gồm trấn bùa, dùng lời cá tiếng hát và tấm bùa để trấn tà ma. Còn sau đó là phần hát giúp vui chúc tụng. Như chúc tụng các nghề của gia chủ như làm ruộng, dệt vải.

Theo TS Nguyễn Nhã, hát sắc bùa ở Phú Lễ đã để lại một số lượng đáng kể những sáng tác dân gian, những làn điệu dân ca có giá trị. Đây là nguồn tư liệu quý phản ánh cả một số mặt về văn hóa vật chất lẫn tinh thần của cư dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắc bùa Phú Lễ