Tiếp nối những thành công trong sự kiện kỷ niệm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” vừa kết thúc, từ ngày 29/4 - 3/5, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra chuỗi hoạt động chủ đề “Bài ca thống nhất”.
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VH). Với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương. Nổi bật là điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại làng như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Ngoài ra, BTC huy động thêm khoảng 15 người dân tộc Dao, 10 người của dân tộc Mông, 15 người của dân tộc La Chí (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), 15 người dân tộc Thái tỉnh Sơn La từ ngày 28/4 - 4/5/2021; huy động khoảng 25- 30 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam ngày 1- 2/5/2021.
Chuỗi hoạt động lần này tại Làng VH giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Là dịp để du khách được hòa mình vào các trò chơi, hoạt động dân ca, dân vũ, thưởng thức ẩm thực, thực hành nghề thủ công truyền thống.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VH cho biết: “Nối tiếp thành công của hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, Làng VH sẽ tổ chức các hoạt động với 2 cái chủ đề.
Chủ đề 1 là “Bài ca thống nhất”, chủ đề thứ 2 là “Tháng 5 dâng Bác”. Cùng với đó, Ban Quản lý sẽ chú trọng, nâng cao hơn chất lượng của các hoạt động của đồng bào các dân tộc và các nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tái hiện một số nghi thức lễ hội tiêu biểu của đồng bào hoạt động đó để mỗi du khách, mỗi người dân đến tham quan Làng VH sẽ được trải nghiệm những giá trị văn hóa thực sự và bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.
Đến với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc trong dịp này, du khách được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang”.
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân Dao, Mông, La Chí, Thái...
Đặc biệt, tại không gian chợ vùng cao phía Bắc sẽ tái hiện tục “Kéo vợ”, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Phong tục này hình thành từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Tục “kéo vợ” chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị.
Cùng với đó, một số lễ hội với những bản sắc văn hóa khác của các đồng bào dân tộc đang sinh sống tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cũng được giới thiệu tới du khách trong dịp này: Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao; Lễ mở kho xin giống của đồng bào dân tộc La Chí.
Bên cạnh đó là hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 14 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy, các hoạt động của nhóm cộng đồng bà con sinh sống nơi đây đã tạo nên những sản phẩm du lịch và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn. Làng VH đang là một điểm du lịch ý nghĩa.
Liên quan đến phương hướng phát triển đối với Làng VH, ông Chung thông tin thêm: “Hiện nay các dịch vụ phục vụ khách du lịch của Làng Văn hóa cũng đang còn rất là hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng dịch vụ để làm sao mỗi người dân, mỗi du khách đến đây đều có những dịch vụ đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ công chức, viên chức và nhân viên của Làng VH phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ với khách du lịch đến với làng văn hóa thật sự là văn minh thân thiện”.
Việc đưa nghệ nhân tham gia giao lưu tại Làng VH là cơ hội để giới thiệu giá trị văn hóa cộng đồng của dân tộc và tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, gần gũi giữa các dân tộc anh em. Tại đây, giá trị truyền thống của các đồng bào tiếp tục được khôi phục và bảo tồn. Làng VH đang trở thành nơi hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa của dân tộc.