Phụ nữ người Mông thường tự dệt vải, may, thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những bộ váy áo, khăn rực rỡ được làm nên từ những đôi bàn tay khéo léo. Chẳng thế mà khi vào Đắk Som (Đăk Glong, Đắc Lắc) làm kinh tế, nhiều chị em vẫn giữ gìn và phát triển nghề may thêu truyền thống của dân tộc ở nơi đất mới.
May bằng máy
Xã Đắk Som có khoảng 1500 hộ dân, trong đó có rất đông đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang...Điểm khác biệt khi đến đây chính là những chiếc váy hoa sặc sỡ phơi trước nhà. Và trong mỗi gia đình người Mông đều có chiếc máy may trang phục truyền thống. Ngoài những người làm nghề dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu của đồng bào trong vùng, khu vực lân cận và người tỉnh khác thì rất nhiều chị em, những lúc nông nhàn lại khâu vá, thêu thùa những bộ trang phục cho mình và các thành viên trong gia đình.
Về Đắk Som, có cảm giác như về nhà người quen bởi người Mông ở đây rất thân thiện, hồn hậu và hiếu khách. Họ sẵn sàng mời những người từ xa tới vào nhà uống nước, nghỉ ngơi, nếu câu chuyện đậm đà hơn, khách có thể cùng ăn bữa cơm với chủ nhà như những người thân.
Nếu đến đây vào ngày chủ nhật đầu tháng hay cuối tháng người ta khó có thể bỏ qua chợ phiên của người Mông. Những ngày này, khu trung tâm thôn 1 nhộn nhịp hơn hẳn, người Mông từ các thôn, xã lân cận kéo về mua váy áo, túi xách, xà vạc và những chiếc khăn đủ sắc màu được bày bán ở các cửa hàng. Đặc biệt những ngày giáp tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm nhiều nên các cửa hàng bán đồ may thêu truyền thống của đồng bào Mông càng đông hơn.
Bà Vàng Thị Dính, 47 tuổi, hàng ngày miệt mài cùng con gái và con dâu sản xuất các trang phục truyền thống. Người may, người thêu, người kết hạt trang trí lên sản phẩm, phối hợp nhịp nhàng để mỗi ngày làm ra chiếc váy hay vài chiếc xà vạc phục vụ khách. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại nhà, với hàng hóa đa dạng, nhiều kích cỡ, màu sắc và giá tiền khác nhau để khách lựa chọn.
Bà Dính cho biết: Các sản phẩm sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường may bằng vải công nghiệp, giá từ 100 - 400 nghìn đồng tùy sản phẩm, còn trang phục lễ hội truyền thống sẽ may thêu thủ công bằng tay nên giá thành cao, hàng triệu đồng một chiếc váy.
Theo bà Dính, nhiều người vẫn thích hàng may thủ công hơn hàng may công nghiệp. Thường hàng ngày khách mua chủ yếu người dân trong xã chẳng được bao nhiêu, nhưng ngày chủ nhật người dân xã khác đến đông cũng bán được 3 - 5 triệu đồng. Đặc biệt, dịp lễ như Tết Nguyên đán, Tết Độc lập, lễ Noel... có ngày bán được khoảng 10 triệu đồng.
Đa dạng sản phẩm
Có một điều đáng quý là dẫu ngày thường bán được một, hai sản phẩm hay ngày Tết tiêu thụ nhiều hơn thì những gia đình làm dịch vụ như nhà bà Dính vẫn cẩn thận với từng sản phẩm của mình. Mỗi chiếc áo, chiếc váy làm ra đều đẹp đến từng đường kim, mũi chỉ. Từng hoa văn, họa tiết trên vải đều được thêu tay nhưng có thể nói là đạt đến mức tinh xảo. Chẳng thế mà ở đây, khi mua, bán người ta không phải lo nhiều về chất lượng sản phẩm.
Dù có máy may công nghiệp nhưng những người phụ nữ như bà Sùng Thị Vế, 60 tuổi vẫn may thủ công, khâu tay các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình dù phải mất hàng tuần mới xong 1 cái váy hay một cái xà vạc. Bà bảo, nhiều gia đình bây giờ may bằng máy công nghiệp nên năng suất cao hơn gấp nhiều lần, mỗi ngày có thể làm ra hàng chục cái váy bán giá hơn 100 nghìn, lời 30.000 đồng/chiếc nên thu nhập cũng khá.
Nói về nghề Anh Lý Văn Thìn, trưởng thôn 1, xã Đắk Som cho biết: Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, phụ nữ thường tự may thêu trang phục truyền thống để tự phục vụ nhu cầu trong gia đình. Nhưng, mấy năm nay do công việc nương rẫy, nhiều phụ nữ người Mông không tự may thêu nữa mà đi mua sản phẩm. Vì thế, một số gia đình đã mở rộng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Cả thôn 1 có 245 hộ, chủ yếu người Mông nhưng chỉ có khoảng chục hộ làm nghề may thêu truyền thống. Các chị làm may, thêu ở đây đều có tay nghề khá cao, sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo. Sản phẩm làm thủ công, hoa văn truyền thống thường dùng trong dịp lễ hội, còn các sản phẩm may máy bằng vải công nghiệp in hoa văn cải tiến, màu sắc đa dạng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, giá thành vừa phải nên bán rất chạy. “Mấy năm gần đây, chúng tôi còn cải tiến chiếc váy truyền thống thành váy 2 lớp, váy nhiều hoa văn khác nhau nên mọi người mua khá nhiều”, một chị vui vẻ cho biết.
Cuộc sống ổn định, bản làng bình yên, những người Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đã mang đến cho cho Đắk Som một sắc màu mới.