Nhìn lại những dấu ấn của tiến trình văn học đổi mới qua góc nhìn của lý luận phê bình, mới đây, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV với sự tham dự của hơn 200 nhà văn với chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”.
Xứ Đông Dương (của Paul Doumer) một trong những thảm họa dịch thuật của văn học dịch Việt Nam.
ĐĐK đã ghi lại ý kiến của dịch giả Lê Bá Thự về thực trạng của văn học dịch hôm nay.
Trong 30 năm qua, cụ thể là từ năm 1986, văn học dịch Việt Nam đã khác xưa rất nhiều. Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch lại phong phú, đa dạng và cập nhật như hiện nay. Kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và hội nhập với thế giới, các tác phẩm văn học Việt nam được giới thiệu ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn và đến được nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên đó chủ yếu mới là kết quả của những nỗ lực đơn phương, thậm chí của cá nhân, những nỗ lực không có bài bản và chủ yếu là dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp rồi sau đó tiếp tục dịch sang các ngôn ngữ khác, việc trực dịch còn rất hạn chế. Đã có những tín hiệu đáng mừng sau Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam.
Truyện Kiều song ngữ Việt – Nga đã được ấn hành năm ngoái và gần đây nhất, ngày 1/5/2016, tại Berlin, truyện Kiều song ngữ Đức – Việt được tái bản đã ra mắt bạn đọc. Một số tác phẩm văn xuôi và thơ đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ba Lan và các ngôn ngữ khác là những tín hiệu này. Việc Hội Nhà văn Việt Nam, một số nhà xuất bản đã ký được hợp đồng dịch thuật và xuất bản với một số đối tác nước ngoài cũng là những tín hiệu vui như vậy.
Các sự kiện thành lập Trung tâm dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam và 3 hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây là những nỗ lực to lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việc Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn thứ 3 Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa là nỗ lực đáng ghi nhận trong việc phấn đấu mở rộng quan hệ giữa văn học Việt Nam và thế giới, trong trường hợp này là văn học Nhật Bản.
Cuốn sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện gồm 2 tập, bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa ấn hành lại là một điểm nhấn cho văn học dịch.
Tuy nhiên, những năm vừa qua trong văn học dịch đã nảy sinh nhiều sai sót khiến dư luận không yên tâm, thậm chí bức xúc. Có cuốn sách dịch bị người đọc kêu trời: Sách hay nhưng dịch sai kinh hoàng.
Người ta bàn nhiều đến chất lượng dịch thuật, trình độ dịch giả, biên tập viên sách dịch và có lúc dư luận đã nói đến “thảm họa dịch thuật”. Một số bản dịch có sai sót đã được dư luận đưa ra mổ xẻ như Mật mã Da Vinci (của Dan Brown – Mỹ), Lotlita của Vladimir Nabokov (Nga), Xứ Đông Dương (của Paul Doumer) và gần đây nhất cuốn Madam Nhu Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng (của Monique Brinson Demery – Mỹ)…
Hàng loạt cuộc hội thảo về văn học dịch và dịch văn học đã được tổ chức nhằm tìm ra nguyên nhân của những sai sót dịch thuật và bàn biện pháp khắc phục. Các cuộc hội thảo và trao đổi về dịch thuật đã góp phần giải tỏa nhiều vấn đề cho người đọc và người dịch. Tinh thần xây dựng trong việc phê phán những sai sót trong dịch thuật ngày càng được đề cao.
Nhìn chung người phê phán chân thành, thực bụng, người dịch tiếp thu với tinh thần cầu thị. Thực ra đây là vấn đề không đơn giản, liên quan đến nhiều đối tượng, đối tác, không chỉ người dịch mà còn là các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết, những người làm công việc mua bản quyền các tác phẩm văn học của các đối tác nước ngoài.
Không bao biện, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là, sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi, kể cả những “cây đa cây đề” trong làng dịch. Tuy nhiên chúng ta, các dịch giả, các biên tập viên, các nhà xuất bản và những người làm công việc có liên quan đến văn học dịch phải nỗ lực phấn đấu hết mình để có được những cuốn sách dịch, những bản dịch hoàn hảo, đúng và hay, đáp ứng lòng mong mỏi của người đọc. Đồng thời chúng tôi, những người dịch cũng rất mong có được sự cảm thông và chia sẻ của công chúng người đọc đối với công việc nhọc nhằn và không tránh khỏi những sai sót, là dịch văn học.
Có thể thấy, lâu nay ta vẫn thường được nghe các cụm từ : thực phẩm sạch, rau sạch, cá sạch, thịt sạch, củ quả sạch… Nhưng gần đây xuất hiện cụm từ sách sạch, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc nhất là những người đọc nhỏ tuổi.
Đó là những cuốn sách kích động bạo lực, đồi trụy, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt nam, truyện kinh đị, tiểu thuyết võ hiệp, diễm tình, ngôn tình… Đến nỗi ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản, gần đây đã tuyên bố sẽ ráo riết kiểm duyệt các đầu sách để đảm bảo “sách sạch”, “thực phẩm sạch” về tinh thần cho độc giả Việt Nam.
Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các “món sách” để chuẩn bị bữa “cơm sách” cho người đọc thưởng thức. Bữa “cơm sách” có ngon lành, có béo bổ, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả - người nội trợ, có phải là dịch giả - “người nội trợ thông thái” hay không.
Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là : tác phẩm hay, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích.
Tác phẩm hay là tác phẩm có giá trị nhân văn, giá trị văn học nghệ thuật cao, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc và tất nhiên đó phải là “sách sạch”. Chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa rồi. Tóm lại, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là “sách sạch”.