Cuốn sách “Lịch sử Việt Nam những sự kiện tiêu biểu” của tác giả Trần Đình Ba, do Nhà sách Thăng Long liên kết với NXB Khoa học Xã hội phát hành có nhiều sai sót.
Bìa cuốn "Lịch sử Việt Nam những sự kiện tiêu biểu" và 1 trang trong cuốn sách.
Lỗi sai về cổ sử
Đầu tiên là việc sử dụng tài liệu từ trang Bách khoa thư mở (Wikipedia) trên mạng Internet, để giải thích tên gọi Giao Chỉ (trang 19) cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp đối với một cuốn sách viết về Lịch sử.
Bên cạnh đó, một số lỗi sai như trích thơ sai: Câu “Đuổi ngay Tô Định dẹp yên Biên thành” trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì tác giả trích thành “dẹp tan Biên thành” (trang 22).
Trang 46, địa danh Bình Kiều là nơi Ngô Xương Xí chiếm cứ đã không được tác giả chú thích cụ thể địa danh này hiện nay là vị trí nào, trong khi đó các sứ quân khác đều được chú thích. Trang 67 viết theo “Việt sử địa dư”: Gia Định, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy không đúng vì ngày nay tỉnh Bắc Ninh không có huyện nào mang tên Gia Bình.
Trang 68, tác giả Trần Đình Ba viết rằng Nguyễn Quan Quang đỗ đầu tại kỳ thi năm Giáp Ngọ (1234) đời vua Trần Thái Tông là thiếu chính xác. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” (PGS.TS Ngô Đức Thọ chủ biên), cho biết, Nguyễn Quan Quang thi đỗ Trạng nguyên tại khoa thi năm Bính Ngọ (1246), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15, đời vua Trần Thái Tông.
Cũng theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, đây là khoa thi đầu tiên lấy Tam khôi; ngoài Nguyễn Quan Quang thì lấy Phạm Văn Tuấn đậu Bảng nhãn; Vương Hữu Phùng đậu Thám hoa.
Lỗi sai về lịch sử hiện đại
Theo tay gấp bìa 1 giới thiệu về tác giả Trần Đình Ba là Thạc sĩ sử học, lĩnh vực nghiên cứu là Lịch sử Việt Nam trung đại. Có lẽ vì vậy mà khi đi vào nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại thì tác giả đã có nhiều thiếu sót không đáng có?
Riêng trang 181 có nhiều lỗi sai. Đó là danh sách Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả viết sai tên đồng chí Phạm Hữu Lầu (1906-1959) thành Phan Hữu Lầu.
Điều đáng nói nữa là, tác giả không nắm được các thuật ngữ lịch sử thời kỳ thành lập Đảng cho nên đã viết đúng thì lại sửa thành sai. Trang này có thuật ngữ “Lâm thời chấp ủy” thì tác giả và các đơn vị in ấn cuốn sách này đã làm mảnh giấy đính chính sửa thành “Lâm thời cấp ủy”!
Viết về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, trang 201, Thạc sĩ Trần Đình Ba đưa ra con số “12 đại biểu là nữ”. Vậy là tác giả đã thêm 2 đại biểu Quốc hội nữ ở đâu ra? Còn năm 1946, chỉ có 10 đại biểu Quốc hội nữ là: Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Bùi Thị Diệm (Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến (Quảng Nam); Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho), Trịnh Thị Miếng (Gia Định) và Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu).
Tác giả Trần Đình Ba còn đem tác phẩm văn học có hư cấu để chép vào lịch sử. Cụ thể ở đây là sử dụng tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (Trần Dân Tiên).
Trong sách “Lịch sử Việt Nam những sự kiện tiêu biểu”, trang 200, đã chép lại như sau: “Chín mươi chín phần trăm cử tri ở Hà Nội đã đi bỏ phiếu”. Đây là con số của một tác phẩm hư cấu; còn con số cụ thể, theo sách “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I” (NXB Chính trị Quốc gia), Hà Nội có 194.880 cử tri, số cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 91%....
Còn nhiều lỗi khác có thể dễ dàng chỉ ra trong cuốn sách. Điều đó cho thấy một cách làm sách khá tùy tiện, cẩu thả. Tuy nhiên có thế thấy đây không phải là trường hợp đầu tiên các cuốn sách về lịch sử được biên soạn rất lạ lùng vì cẩu thả. Trước đó, có thể kể đến cuốn “Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập” do Vũ Kim Yến sưu tầm và biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin, 2015...