Vì sao 20 năm qua nước ta lại không xuất hiện nhiều người viết sách giáo khoa (SGK) giỏi nữa? Mà quanh đi quẩn lại vẫn là những người cũ viết sách cách đây 20 năm? Đó là ý kiến của chuyên gia giáo dục- TS Lê Thống Nhất tại Diễn đàn Giáo dục Vietnam Educamp 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sách mới viết bởi người cũ
Xét đến cùng, SGK trước hết là sản phẩm của tác giả/nhóm tác giả sau đó mới là những góp ý, chỉnh sửa của Hội đồng Thẩm định cũng như những ý kiến khác. Những gì được viết ra trong SGK sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả. Tuy nhiên so với học sinh ngày nay với cách nói năng, tư duy khác với học sinh thế hệ cha, ông của mình… nên nếu không có những thay đổi thì khó bắt kịp với thời đại.
Nói như TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School thì đó là “những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ, chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới”.
Nhìn nhận về lý do một số cuốn SGK bị dư luận phản ứng thời gian qua, TS Dương cho rằng những ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
“Cách dùng từ ngữ, cách nói của các tác giả khi còn nhỏ cũng đi thẳng vào SGK vì cho rằng trẻ con nào cũng sẽ nói năng như vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, vì vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau, nên cách dùng từ của trẻ hiện nay sẽ rất khác so với cách dùng từ của các tác giả khi còn nhỏ trước kia” - TS Dương nói.
Theo TS Giáp Văn Dương xuất phát từ việc các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt, các tác giả đã không hình dung được SGK của mình sẽ đào tạo con người nào.
Vì vậy, ông cho rằng cần xác lập được một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt việc biên soạn SGK, bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu, một nhóm phương pháp giáo dục tiên tiến để truyền tải các nội dung này, và một tổng công trình sư đủ tầm vóc để chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học. Nếu không thì các bộ SGK của năm sau cũng không hy vọng sẽ khắc phục được các sai sót này.
Kinh nghiệm không thay thế được chuyên nghiệp
Đây là quan điểm của GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), thành viên tham gia xây dựng chương trình GDPT 2018.
Ông cho biết chương trình GDPT 2018 có 18 người xây dựng chương trình tổng thể, 56 người tham gia ban soạn thảo chương trình môn học. Tuyệt đại đa số họ đều là những nhà chuyên môn giỏi, tâm huyết, đứng lớp vài chục năm thậm chí có người đã hàng chục năm tham gia phát triển chương trình, có kinh nghiệm xây dựng chương trình GDPT, ĐH, sau ĐH, và có cả những người từng tham gia phát triển chương trình ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo GS Phạm Hồng Tung, đây không phải là những nhà phát triển chương trình giáo dục chuyên nghiệp. Bởi vì những thành viên này đều không được đào tạo chuyên môn là phát triển chương trình giáo dục mà được đào tạo ở những chuyên môn khác nhau như Sử, Ngôn ngữ, Toán, Hóa… Do vậy, kinh nghiệm không thay thế được sự chuyên nghiệp.
GS Phạm Hồng Tung đề xuất sau khi Bộ đánh giá được thành công của chương trình tổng thể, chương trình môn học thì sớm mở mã ngành đào tạo nhân lực phát triển chương trình.
Đối với việc biên soạn SGK ở nước ngoài, chuyên gia này cho biết đây là công việc của những người cả đời chỉ viết SGK và được trả lương để làm công việc này chứ không phải đang làm việc khác rồi nhận hợp đồng của Nhà xuất bản A hay B rồi tham gia biên soạn như ở ta hiện nay.
Chẳng hạn, ở Phần Lan, mỗi quyển sách thường từ 6-8 người viết chính với đầy đủ các thành phần từ giáo sư đến các giáo viên có nhiều kinh nghiệm đứng lớp bổ khuyết cho sách vừa mang tính hàn lâm, vừa có được sự gần gũi và thực tế.
Mỗi nội dung trong sách phải trải qua đến 5 vòng chỉnh sửa với việc lấy ý kiến rộng rãi của học sinh, giáo viên, chuyên gia... Dựa trên những phản hồi này, nhóm viết sách sẽ điều chỉnh và viết thêm cho phù hợp, rồi soạn thêm các tài liệu khác như sách bài tập, bài giảng điện tử.
Cẩn trọng là vậy song trên thực tế khi đưa vào giảng dạy, giáo viên hoàn toàn linh hoạt trong việc chọn bài học nào để dạy trước, dạy sau, không hề bị bó buộc, thậm chí có thể “nhảy cóc” bài học.
Tại Mỹ, SGK là một trong nhiều công cụ giảng dạy. SGK thông thường chỉ chiếm tối đa 20% công cụ mà giáo viên sử dụng cho giảng dạy như các dự án, các video, các hoạt động nhóm...
Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, nhà trường không quan tâm quá nhiều đến nội dung mà chỉ quan tâm đến khung chương trình. Trên cơ sở đó nhà trường sẽ xây dựng chương trình học riêng phù hợp với mục tiêu của nhà trường và phù hợp với mục tiêu mà Bộ GDĐT đặt ra.
Tuy nhiên, như TS Lê Thống Nhất chỉ ra rằng, ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu trường công có thể xây dựng được chương trình học riêng? Nên rõ ràng, SGK trước hết cần chuẩn chỉnh để bước đầu, giáo viên căn cứ vào đó để giảng dạy. Sau đó, mới là những yêu cầu “thoát ly” SGK như kỳ vọng…