Dưới góc độ những người dạy trực tiếp, nhiều giáo viên cho rằng, nếu không dạy chữ P là một chữ cái độc lập sẽ khiến học sinh gặp lúng túng khi gặp chữ này trong cuộc sống.
Hai ngày qua, việc sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Không ít chuyên gia bày tỏ nghi ngại về vấn đề này. Còn bản thân giáo viên-những người dạy học trực tiếp cũng có nhiều ý kiến bằng kinh nghiệm dạy học thực tế.
Đa số giáo viên đều cho rằng, nếu chữ P được tách ra riêng 1 tiết, giáo viên sẽ dạy học sinh kĩ và chắc hơn. Cô Phạm Thị Vĩ cùng các cô giáo dạy lớp 1 ở trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên) hiện đang dạy học sinh chữ P ở bảng chữ cái và trong bài học vần về âm Ph.
Trên thực tế, để ghi nhớ âm P và Ph, không chỉ có các cô ở Trường Tiểu học Ngọc Lâm mà nhiều cô khác bằng kinh nghiệm dạy học đã cho học sinh tự tìm từ có nghĩa với các chữ trên và đưa thêm nhiều ví dụ cho âm P và Ph.
Ở phần viết, các cô cũng tự hướng dẫn học sinh chữ P trước rồi mới thêm chữ H thành chữ Ph…
Được biết, cách dạy nêu trên đều dạy theo kinh nghiệm chứ không phải được tập huấn hay có hướng dẫn trong sách của giáo viên về vấn đề này. Để học sinh ghi nhớ được và mở rộng vốn từ, giáo viên thường cho các em ôn tập lại những vấn đề đã học vào buổi thứ 2 trong ngày.
Cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Hoàng Diệu (Chương Mỹ) cho biết, nhiều sách đều học chữ P nhưng ở bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống chỉ dạy lướt qua. Chữ P trong bộ sách này có trong bảng chữ cái nhưng trong phần nội dung thì chỉ dạy ghép với chữ H để tạo thành chữ Ph.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy lớp 1, trong quá trình dạy học, cô Thủy tiếp xúc với một số bộ sách giáo khoa. Cô Thủy thấy rằng, Bộ Kết nối tri thức và cuộc sống nặng hơn, có bài học sinh phải học đến 4,5 chữ.
Trong bộ sách này, chữ P đi rất lướt, giáo viên phải tự tìm hiểu và mở rộng để dạy. Nếu chỉ học bảng chữ cái thôi, không học riêng chữ P thì khi các con gặp phải chữ này mà cần ghép âm để đọc sẽ bị lúng túng.
“Tôi cho rằng, cách dạy chữ P trong những bộ sách trước đi sâu hơn, học sinh sẽ phát âm chuẩn hơn, được luyện đọc, luyện viết và ghép âm kỹ càng hơn. Lớp 1 không chỉ là chữ cái mà khi gặp những từ khác, các em có thể tự ghép vào để đọc và hiểu”, cô Thủy nêu quan điểm.
Nhiều giáo viên tiểu học cho rằng, sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống nội dung ổn nhưng nên cho thêm những tiếng, những từ mà âm P xuất hiện độc lập trong cả phần đọc và viết ở phần ngữ liệu tiếng và mở rộng cho học sinh.
“Dạy gộp cũng được, nhưng phải có thêm ngữ liệu. Có 2 cách: 1 là cho thêm ngữ liệu luôn vào chữ P độc lập; 2 là trong sách giáo viên, gợi ý thầy cô cho học sinh viết và đọc, tìm thêm những tiếng, từ có âm P như thế không thay đổi mô típ của sách”, một giáo viên nêu ý kiến.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết Online đã thông tin một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Cho rằng quan điểm chưa dạy chữ P của sách Tiếng Việt lớp 1, Bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống là thiếu tính khoa học, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông thẳng thắn cho biết, NXB Giáo dục Việt Nam cũng như đội ngũ biên soạn sách cần sớm điều chỉnh. Từ thực tiễn rõ ràng đòi hỏi NXB Giáo dục Việt Nam phải có tinh thần tiếp thu.
“Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, nhiều ý kiến đóng góp cho nhà xuất bản này từ hai năm nay cũng khá nhiều, nhưng dường như họ chẳng mấy quan tâm. Việc họ, họ vẫn cứ làm. Ở ta, lâu nay vẫn tồn tại một thực tế như vậy. Báo chí nói là quyền của báo chí. Cuối cùng chỉ có Nhân dân và học trò chịu thiệt”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt trăn trở.