Trong Sách Trắng quốc phòng thường niên được công bố trong hôm 2/8, Nhật Bản cho rằng các hành động gây hấn và quan điểm hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải có thể gây rủi ro xảy ra xung đột với các quốc gia trong khu vực châu Á.
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền
tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nguồn: CP24).
Trong tài liệu có tên Sách Trắng dày 484 trang, Nhật Bản nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, nơi họ đã xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ các chiến dịch quân sự bất chấp chồng lấn với tuyên bố của các nước khác, đã dấy lên hồi chuông báo động đối với cộng đồng quốc tế.
Siêu cường trong khu vực này “tiếp tục hành động theo cách hung hăng” và hành động của họ “bao gồm nhiều động thái nguy hiểm có thể gây nên những hậu quả khó lường”, Tokyo nhận định trong tài liệu trên.
Hiện chính quyền Bắc Kinh đang chịu sức ép phải tôn trọng một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế mà LHQ ủng hộ hồi tháng trước, trong đó tuyên bố rằng các tuyên bố chủ quyền lịch sử của họ đối với Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Sách Trắng Nhật Bản nói rằng: “Trung Quốc sẵn sàng thực hiện yêu sách đơn phương của mình mà không thỏa hiệp, trong đó bao gồm cả việc duy trì các hành động nhằm biến những động thái mang tính cưỡng ép thành hiện trạng, và sau đó thành sự đã rồi”. Họ cũng một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuần thủ phán quyết của tòa án trọng tài, mà trước đó Trung Quốc đã khẳng định sẽ bác bỏ.
Nhật Bản cũng thể hiện rõ mối quan ngại liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nơi mà 2 quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền một nhóm các hòn đảo nhỏ không có người ở, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku.
“Gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các hoạt động gần quần đảo Senkaku, như việc triển khai máy bay quân sự bay gần hơn về phía Nam của quần đảo này” - Sách Trắng Nhật Bản nêu rõ.
Từ năm ngoái đến tháng 3-2016, lực lượng không quân Nhật Bản đã phải triển khai phi cơ của họ tới 571 lần để đối phó với máy bay Trung Quốc bay sát không phận của họ - tăng 107 lần so với năm tài khoa trước đó. Hồi tháng 7 vừa qua, Nhật Bản còn cáo buộc Trung Quốc cử một tàu do thám đi vào vùng biển của họ, giữa lúc Tokyo đang tổ chức một cuộc tập trận hải quân với Mỹ và Ấn Độ.
Và trong tháng trước, 2 nước cũng có cuộc khẩu chiến liên quan tới các cáo buộc cho rằng chiến đấu cơ của Nhật khóa mục tiêu vào một máy bay của Trung Quốc.
Theo Sách Trắng của Nhật, Bắc Kinh đã bắt đầu làm dấy lên hồi chuông cảnh báo sau khi họ đơn phương thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi năm 2013, yêu cầu tất cả máy bay phải thông báo kế hoạch bay khi đi vào vùng này - trong đó bao trùm cả các hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản và Đài Loan.
Hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm tăng rủi ro xảy ra “sự tính toán sai hoặc xung đột” giữa các quốc gia trong khu vực. Đến tháng 5 vừa qua, một chiến hạm của Mỹ đã tiến sát tới một bãi đá mà Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối gay gắt.
Ngoài việc nêu về các rủi ro mà hành động của Trung Quốc có thể gây nên, Sách Trắng của Nhật Bản còn đề cập tới mối quan ngại liên quan tới chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nói rằng rất có khả năng họ đã “phát triển được công nghệ thu nhỏ các vũ khí hạt nhân và đã phát triển được các đầu đạn hạt nhân”.
Kể từ sau lần thử nghiệm hạt nhân thứu tư hồi tháng 1/2016, Triều Tiên đã tuyên bố thành công trong việc thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để lắp vừa trên một loạt tên lửa và đã thử nghiệm thành công loạt động cơ theiets kế cho tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể với tới nước Mỹ.
Cũng trong ngày 2/8, Hàn Quốc đã lên tiếng phản ứng về Sách Trắng quốc phòng - trong đó nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Takeshima và Seoul gọi là Dokdo.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, ngay trong sáng 2-8, Bộ Quốc phòng của họ đã kêu gọi Nhật Bản “không lặp lại hành động như vậy,” đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp “cứng rắn” trước mọi mưu đồ xâm hại chủ quyền của Hàn Quốc đối với quần đảo này. Bộ trên cũng đã triệu tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul tới để chính thức phản đối.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ra một tuyên bố nêu rõ rằng đây là lãnh thổ của Hàn Quốc và bày tỏ phản đối mạnh mẽ về lời tuyên bố “không chính đáng” này của Nhật Bản đối với quần đảo trên.