Hành khách trở về từ Đà Nẵng được hướng dẫn đi theo một đường riêng biệt và được kê khai, kiểm tra y tế trước khi dời khỏi sân bay.
Sáng 27/7, rất nhiều chuyến bay từ Đà Nẵng đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đã không xuất hiện cảnh chen lấn đông đúc thường thấy ở các khu vực được coi là tâm điểm nhận khách từ vùng dịch trở về. Hành khách trở về từ Đà Nẵng được hướng dẫn đi theo một đường riêng biệt và được kê khai, kiểm tra y tế trước khi dời khỏi sân bay.
Tất cả người dân, không chỉ là người trở về từ vùng dịch Đà Nẵng mà bất kể ai có mặt tại sân bay Nội Bài đều đeo khẩu trang. Không có cảnh “tụ tập” đông người, mọi người tự ý thức ngồi cách xa nhau để tạo một khoảng cách nhất định.
Theo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trong ngày 27/7, có khoảng 50 chuyến bay đưa hành khách từ Đà Nẵng về Hà Nội. Sân bay Nội Bài đã chủ động bố trí khu vực riêng để đón hành khách về từ Đà Nẵng. Tất cả hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang khi xuống sân bay. Nước sát khuẩn cũng được bổ sung thêm tại nhà ga để hành khách sử dụng.
Theo VietJet Air, hãng đã khuyến cáo hành khách trên chuyến bay khởi hành từ Đà Nẵng trong giai đoạn này phải lưu ý thực hiện khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử hoặc văn bản giấy tại sân bay.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết, hãng vẫn duy trì phun khử trùng toàn bộ đội máy bay khai thác trong ngày, cũng như kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay theo quy định. Tổ bay gồm phi công, tiếp viên đều được trang bị khẩu trang, găng tay và khăn giấy tẩm cồn. Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
Gia đình cô Hồng, chú Trinh (Hà Nội) vừa trở về từ Đà Nẵng cho biết: “Gia đình cô chú gồm 5 người vừa đến Đà Nẵng thời gian qua. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến Đà Nẵng thì nhận được thông tin TP này xuất hiện ca dương tính với Covid-19 nên cô chú quyết định về Hà Nội sớm hơn để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng”.
Cô Hồng và chú Trinh cho biết thêm, sau khi trở lại 2 sân bay ở cả đầu Đà Nẵng và Hà Nội, mọi người trong đoàn đều đã kê khai và kiểm tra y tế. Các sân bay đều tách riêng khách đi và đến từ Đà Nẵng để đảm bảo an toàn cho mọi người. Nhờ có kinh nghiệm trong việc kiểm soát dịch từ đợt trước cho nên đã không xảy ra tình trạng ùn tắc hay quá đông đúc ở sân bay dù “chúng tôi được coi là người từ vùng dịch trở về”, chú Trinh nói.
Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cô Nguyễn Thị Thanh Hương (Bắc Ninh) chia sẻ khi vừa đáp chuyến bay từ Đà Nẵng trở về. Cô Hương cùng hơn 10 người nữa trong đoàn vừa có một hành trình “chớp nhoáng” đến Đà Nẵng chưa đầy 24 tiếng và buộc phải trở về vì sự an toàn của cả đoàn cũng như cộng đồng.
“Chúng tôi được khuyến cáo, chỉ những người đến những điểm xảy ra dịch bệnh như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình thì mới được coi là F2, đồng thời phải khai báo y tế cho cơ quan y tế địa phương theo dõi. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho chính gia đình mình và cộng đồng, cả đoàn chúng tôi đều thống nhất sẽ tự cách ly tại nhà 2 tuần. Nếu có biểu hiện ho sốt, chúng tôi sẽ đến cơ quan y tế gần nhất”, cô Hương nói.
Có thể nhận thấy, ý thức giữ an toàn cho mình, cho gia đình và cộng đồng là điểm chung của hầu hết những hành khách đáp chuyến bay từ Đà Nẵng trở về. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai trong số chúng ta đều tự giác có ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng như vậy.
Chị Hằng, một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng cho biết: “Gia đình chúng tôi quá sốt ruột nên đã thuê xe chạy suốt đêm để trở về Hà Nội. Tất nhiên, khi trở về, chúng tôi sẽ kê khai y tế và tự giác làm việc ở nhà trong vòng 2 tuần để tránh lây lan căn bệnh nguy hiểm này ra cộng đồng”, chị Hằng nói.
Khẳng định cá nhân chị và gia đình sẽ kê khai y tế và sẽ không tự ý đến những nơi công cộng để tránh lây lan cho cộng đồng, nhưng liệu việc làm này có được thực hiện nghiêm túc hay không, không ai dám chắc?
Thiết nghĩ cần tái lập những trạm kiểm soát quanh khu vực xảy ra dịch bệnh. Bởi nếu chỉ kiểm soát ở các sân bay, bến tàu là chưa đủ.