Tiếng chuông điện thoại cắt ngang giấc ngủ trưa vốn dĩ đã chợp chờn khó dỗ, tôi uể oải và có phần khó chịu khi biết đấy là cuộc gọi của người giao hàng.
Biết chắc giấc ngủ không thể trở lại được nữa, tôi nảy ra ý định mở gói hàng ra xem con gái đặt mua những gì. Thì ra đấy là mấy cuốn sách tham khảo cho môn học trên lớp, một cuốn vừa xuất bản đang “hot”. Và có cả một cái tên sách khiến cho tim tôi đập loạn nhịp: “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”. Thì ra con bé cũng thích đọc cuốn sách này, giống y như tôi nhiều năm về trước.
Cuốn sách chưa mở ra trang nào mà đã đưa tôi trở lại một khoảng thời gian đã khá xa lúc tôi còn bé tí. Đấy là thời kỳ bao cấp đầy rẫy khó khăn và thiếu thốn. Lúc ấy sách là một thứ hiếm hoi và vô cùng quý giá, nhất là lại ở nơi làng quê còn nhiều thiếu thốn. Muốn ngắm nhìn hay sở hữu chúng, người ta chỉ có thể đến phố huyện, nơi có cái “Hiệu sách nhân dân” tọa lạc nơi góc phố.
Trong con mắt trẻ thơ của tôi thì cái hiệu sách ấy thật rộng lớn và cực kỳ hấp dẫn. Tôi thường mất cả buổi để đứng trước quầy, ngắm nghía và ao ước được chạm vào những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới bởi rất ít khi có tiền mua chúng. Phần lớn đến chỉ để ngắm nhìn cho thỏa nỗi ước ao, giống hệt như bọn trẻ con đi ăn “phở ngó” vậy.
Những năm tháng ấy, sách là người bạn thân giúp tôi mở cánh cửa ra thế giới ngoài kia và dẫn tôi đi đến những chân trời xa tít. Không biết từ bao giờ, tôi đã coi hiệu sách ấy là “người thân” mà tôi luôn mong muốn được gặp mỗi khi có dịp. Nhớ, mỗi khi bước chân vào hiệu sách nơi phố huyện sầm uất, tôi như một đứa trẻ lạc đến chốn thần tiên. Ở đấy cơ man nào là thứ mê hoặc. Những cái cặp sách có quai đeo này, những chồng vở chất ngất này… Rồi những chiếc compa, thước kẻ, bút mực, bút chì đen, chì màu sặc sỡ, những lọ mực, giấy màu, nhãn vở, tẩy con vô cùng xinh xắn… Nhưng nhiều hơn cả vẫn là sách. Sách trang trọng bày trên giá cao tít có gắn lưới mắt cáo. Những cuốn sách mới, nhiều người thích thì bày ngay trong tủ kính bên ngoài, trên tủ bao giờ cũng dán tờ giấy viết dòng chữ thật nắn nót: “Không tì tay lên kính. Vỡ kính phải bồi thường”. Mọi người chỉ được đứng ngoài mà xem, khi nào có tiền mua thì mới hỏi bởi cô bán hàng ít khi niềm nở, hỏi nhiều là cô cáu gắt chứ chẳng chơi. Thời buổi khó khăn, sách giáo khoa thường được nhà trường cho mượn, bọn học trò thường chỉ phải mua vở viết và bút, mực… cặp sách thì dù cũ hay sờn rách vẫn cố dùng. Thế nên mỗi khi được đến hiệu sách tôi chỉ hay chôn chân ở quầy sách, truyện, cho dù chỉ nhìn ngắm chứ không bao giờ được đọc thử như bọn trẻ bây giờ.
Những cuốn sách đầu tiên mà tôi được mua ngoài “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, “Truyện cổ Anđecxen”, “Truyện cổ Grim”, “Túp lều của bác Tôm” hay “Cánh buồm đỏ thắm”… còn có “Khúc hát mở đầu” mà tôi nhớ rất rõ là của nhà văn Xuân Thiều, “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa… Phần lớn đều là sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Cho đến bây giờ trí óc tôi vẫn khắc ghi khung cảnh cuộc sống vạn chài trên con sông Bồ êm ả được nhà văn Xuân Thiều miêu tả trong câu chuyện của cậu bé Lâu trong “Khúc hát mở đầu” năm ấy.
Những cuốn sách được mua chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, nên tôi thường đọc đi đọc lại đến thuộc làu. Và tuổi thơ tôi dường như già trước tuổi khi mới mười mấy tuổi đầu đã trốn ngủ trưa để ngốn ngấu đọc “Ba chàng lính ngự lâm”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, hay “Chiến tranh và hòa bình”… chỉ để xuýt xoa về tâm hồn, nhân cách sống của những con người như chàng trai Paven Coocsaghin trong câu chuyện mà chẳng mấy hiểu về những vấn đề chính trị ẩn sâu trong đó.
Có lúc tôi còn mở trộm tủ sách của bố lấy những cuốn như “Nhân dân ta rất anh hùng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Tháng ba ở Tây Nguyên” của nhà văn Nguyễn Khải… ra mà đọc.
Sự thiếu thốn về văn hóa phẩm khiến người ta coi sách như một thứ tài sản, những cuốn sách quý vì thế thường được giữ gìn hết sức cẩn thận. Ngày ấy, những trang sách được in rất mộc mạc, ít ảnh, ít hình vẽ minh họa mà nếu có thường chỉ là đen trắng. Giấy in màu vàng úa và lần sần những vụn gỗ, nhưng điều đó chả là gì so với đam mê được đọc chúng.
Buồn cười hơn nữa, khi tuổi thiếu nữ đầy mộng mơ đến, trái tim tôi lạc nhịp không phải bởi ánh mắt trìu mến của cậu bạn nhà bên mà lại do sức hút mãnh liệt từ ấn bản cực kỳ ấn tượng của Nhà xuất bản Cầu vồng Matxcơva. Đấy là cuốn “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” được in năm 1986 nhưng phải sau đấy vài năm mới có mặt trên giá của “hiệu sách nhân dân” của phố huyện quê tôi. Những buổi trưa hè trốn ngủ, xung phong đi phơi rơm phơi lúa, cốt chỉ để được ngốn sách mà không có ai làm phiền đã cho tôi đến nhiều chân trời mới lạ mà chưa bao giờ được đặt chân tới. Bởi thế sách chính là thứ quà tặng mà tôi mong muốn được nhận nhất, hơn cả áo quần hay bánh kẹo…
Trưa nay, cuốn sách nhỏ đã trở thành cái sân ga đưa tôi trở lại dĩ vãng thơm nồng của thời thơ ấu. Hình ảnh đứa nhỏ gầy gò ngồi trong bóng cây giữa trưa hè chang chang nắng, không biết mồ hôi mồ kê đang chảy nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ bừng như say nắng, mải mê đọc “Thép đã tôi thế đấy” và cô thiếu nữ ngồi cười không kiểm soát được lúc đọc câu chuyện của các bạn nhỏ ở Thành phố Hoa vẫn còn đâu đó quanh đây, quanh gói hàng chàng thanh niên vừa mang đến. Bất giác, tôi muốn con mình cũng một lần có được cảm giác như tôi ngày ấy, đứng tần ngần bên cái tủ kính của “Hiệu sách nhân dân”, mong muốn được bố mẹ cho tiền mua cuốn sách hằng ao ước… Và tôi nhớ đến “người thân” cũ, nay vẫn còn đứng nguyên nơi góc phố huyện cho dù “người” có phần nhỏ nhoi, đơn bóng giữa nhịp sống xô bồ hiện tại.