Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Đánh thức say mê

PHẠM NGỌC HÀ 14/05/2023 08:10

Để văn học không còn là những tác phẩm phải học và nhớ theo kiểu thuộc lòng, nhiều trường học đã sân khấu hóa những tác phẩm, trích đoạn văn học, tạo cho học sinh một hình thức tiếp nhận mới thật thú vị, dễ hiểu và dễ nhớ hơn, đồng thời đánh thức sự say mê văn chương trong giới trẻ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho các em.

Vở diễn "Tinh thần thể dục" được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Tạo môi trường cho thế hệ trẻ sáng tạo

Nhìn một cách khách quan, việc tiếp nhận và thấu hiểu những tác phẩm văn học được viết trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, thời kỳ bao cấp... của thế hệ trẻ hôm nay còn gặp nhiều khó khăn. Trách nhiệm của giáo dục đào tạo là cần làm thế nào để những người trẻ biết và hiểu hơn những giá trị mà thế hệ đi trước đã tạo ra. Thay vì chỉ đơn thuần giảng dạy những nội dung cơ bản như chỉ ra nét đặc sắc của nghệ thuật, phân tích chi tiết nội dung... của từng tác phẩm thì việc các trường học có nhiều hoạt động đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đã giúp cho học sinh được sống trong những khoảnh khắc thật của tác phẩm, của giai đoạn lịch sử, từ đó có thể cảm nhận được giá trị tác phẩm tốt hơn rất nhiều so với cách học “chay”.

Việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ, trong thời gian tới cần nhân rộng mô hình và đưa vào thành phương pháp giảng dạy cụ thể để triển khai ở nhiều địa phương, chắc chắn sẽ giúp nhiều hơn nữa những học sinh, thế hệ trẻ của chúng ta hứng thú và say mê hơn với văn chương, nghệ thuật nước nhà.

Mới đây, ngày 9/5, tại Trường THPT IVS (Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học trong trường phổ thông”, giao lưu với NSND Tự Long. Trực tiếp vào vai Thị trong tiểu phẩm trích đoạn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân, bạn Nguyễn Thị Minh Huệ, học sinh lớp 12A0, Trường THPT IVS chia sẻ cảm nhận của mình: “Theo em, sân khấu hóa các tác phẩm Ngữ văn, trích đoạn văn học là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, chúng em tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng”.

Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm; giúp các em hiểu được các thông điệp mà tác giả, tác phẩm muốn chuyển tải. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện để học sinh phát huy vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn, bó buộc bởi những nội dung trong bài giảng của giáo viên. Khi các em được thể hiện quan điểm của mình và được công nhận sẽ giúp cho các em thêm tự tin và hứng thú trong các giờ học.

Chia sẻ sau khi tham gia chương trình tại Trường THPT IVS, NSND Tự Long cho biết, sân khấu hóa tác phẩm văn học là cách học nhanh nhất bởi văn học là nhân học, không có phương pháp chung nhất cho mọi giáo viên dạy môn Ngữ văn. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm; giúp các em hiểu được các thông điệp mà tác giả, tác phẩm muốn chuyển tải.

Thực tế sân khấu hóa tác phẩm văn học là một nội dung của phương pháp giảng dạy Ngữ văn “trả tác phẩm cho học sinh” đã được nhiều trường THCS, THPT triển khai trong thời gian gần đây như: THPT Lê Quý Đôn, THPT Phan Đình Phùng, Trường THPT chuyên Ngữ, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)... Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như: “Chí Phèo”, “Vợ Nhặt”, “Nỗi oan Thị Mầu”, “Số Đỏ”... đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động của giáo viên và học sinh.

Nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật

Cùng với đó, Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cuối năm 2022 đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo mới trên khắp các sân khấu Thủ đô. Theo đề án, các đơn vị nghệ thuật sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn trong 70 tác phẩm văn học đặc sắc trong chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức 1.800 - 2.000 buổi diễn cho các trường học.

Trên cơ sở các tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và nước ngoài được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành và chương trình GDPT mới năm 2018, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ dựng trích đoạn, vở diễn, tổ chức giới thiệu và biểu diễn tại các trường học. Nghệ sĩ, diễn viên của các Nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với nhà trường tuyển chọn, hướng dẫn, truyền dạy cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông có năng khiếu và đam mê nghệ thuật sân khấu kết hợp biểu diễn một số vở diễn, trích đoạn đã được dàn dựng.

Hiện nay các nhà hát nghệ thuật đều háo hức đưa những nhân vật, câu chuyện từ sách giáo khoa lên sân khấu. Chẳng hạn như, những ngày gần đây Nhà hát Kịch Hà Nội sôi nổi tập luyện vở “Tinh thần thể dục” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, do NSND Trung Hiếu viết kịch bản và đạo diễn. Vở diễn hóa giải được những nét dí dỏm, hài hước, sâu cay của tác phẩm nhằm đả kích chế độ thực dân phong kiến mục nát. Nhà hát này còn có “vốn liếng” vở diễn chuyển thể tác phẩm văn học như “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du hay vở “Hà thành chính khí” về Tổng đốc Hoàng Diệu hứa hẹn mang đến trải nghiệm đặc biệt cho các em học sinh.

Hay hồi tháng 4 vừa qua, Nhà hát Chèo Hà Nội cho ra mắt vở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” phỏng theo tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã tạo ấn tượng với khán giả Thủ đô. Vở diễn được dàn dựng với chủ đích tham gia đề án của thành phố, do NSƯT Lê Tuấn đạo diễn, khéo léo lồng ghép chất bi và chất hài để khán giả hòa vào câu chuyện, thấm thía thông điệp. Nhà hát cũng đang lên sàn vở “Chuyện thằng Bờm” hướng đến học sinh tiểu học và dự kiến ra mắt dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Cùng với đó, nhà hát cũng chuẩn bị các trích đoạn trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” hay các vở diễn chuyển thể truyện cổ tích “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”... để tham gia đề án.

Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng sẵn sàng hai vở truyện cổ tích “Tấm Cám”, “Thạch Sanh” để phục vụ các trường học. Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đang có kế hoạch dàn dựng mới và phục dựng nhiều vở diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội kỳ vọng, việc triển khai đề án tạo sẽ nên hình thức học tập mở, hấp dẫn học sinh. Nghệ thuật sân khấu với sự sinh động, truyền cảm, linh hoạt sẽ góp phần truyền đạt tới các em nội dung những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho các em. Hoạt động này cũng nhằm xây dựng, phát triển nguồn khán giả cho sân khấu Thủ đô và phát hiện tài năng nghệ thuật sân khấu tương lai.

Còn theo NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội, đề án này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc phát triển giáo dục và văn hóa Thủ đô. Đặc biệt, thông qua đề án, các bộ môn nghệ thuật sân khấu, trong đó có sân khấu truyền thống được giới thiệu đến khán giả trẻ, giúp các em hiểu, thấy hấp dẫn, yêu thích và có ý thức giữ gìn. Bên cạnh đó việc đưa các tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông lên sân khấu tạo nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tạo bởi vốn dĩ đó là những tác phẩm có nội dung hay, ý nghĩa, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. Song, với mỗi cấp học, nhà hát phải lựa chọn tác phẩm và lối diễn phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Đánh thức say mê