Sân khấu hồi sinh sau đại dịch

Minh Quân 25/06/2020 07:05

Mặc dù đang gặp vô vàn những khó khăn nhất là sau đại dịch Covid-19, nhưng trong thời gian qua sân khấu đang ghi nhận một sự “hồi sinh” mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Ảnh minh họa.

Vượt khó vươn lên

Một trong những ghi nhận lớn nhất của sân khấu sau mùa đại dịch Covid-19 đó chính là sự “ra quân” đồng loạt của các đơn vị công lập và tư nhân. Trong đó phải kể đến 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL với một lịch trình diễn thỏa lòng mong đợi của khán giả sau một thời gian phải thưởng thức nghệ thuật qua hình thức trực tuyến. Có lẽ đã từ lâu rồi những người làm nghề mới bắt gặp lại cảnh tượng vở diễn “cháy vé”, khán giả ngồi chật kín rạp.

Đơn cử, Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân” ngay trong ngày “tái xuất” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả khi rạp Hồng Hà không còn một chỗ trống. Đặc biệt bên cạnh những khán giả lớn tuổi còn có rất nhiều người trẻ tuổi đến thưởng thức bộ môn nghệ thuật vốn kén khán giả này. Hay như Nhà hát Kịch Việt Nam sau lần “mở hàng” cho sân khấu ngày trở lại đã thừa thắng xông lên với hàng loạt các suất diễn.

Bên cạnh các đơn vị công lập được Bộ VHTTDL hỗ trợ một phần kinh phí, sân khấu thời gian qua cũng ghi nhận sự vươn lên của nhiều đoàn nghệ thuật. Trong đó phải kể đến vở Ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO). Với việc mạnh tay chi đến một tỷ đồng để dàn dựng vở diễn ngay từ buổi ra mắt đầu tiên “Kiều” đã “hái được quả ngọt”.

Trước 10 ngày công diễn (20/6) vở Ballet Kiều đã rơi vào tình trạng “cháy vé”. Thành công của vở diễn là có thể nói là sự hội tụ của tài năng, độ chín muồi về nghề nghiệp và cả trong tư duy nghệ thuật, kỹ thuật chuyên môn, ê kíp biên đạo múa, nghệ sĩ, diễn viên múa trẻ, tài năng của HBSO đã cùng góp sức để kiến tạo một tác phẩm đặc sắc.

Vở diễn thể hiện góc nhìn, tư duy sáng tạo, dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại; đồng thời chuyển tải được những đặc trưng truyền thống và tư tưởng Á Đông sâu sắc. Đặc biệt là sự hòa trộn uyển chuyển, nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam; sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách bán cổ điển với âm điệu dân gian, dân tộc Việt Nam; cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ, đã giúp tác phẩm múa tạo được nhiều cảm xúc cho người thưởng thức.

Đặc biệt kịch bản của vở diễn mới đây đã xuất sắc giành được giải Sáng tác kịch bản múa 2019. Theo biên đạo múa của vở diễn Tuyết Minh bày tỏ, thành công của vở diễn là sự ghi nhận những cố gắng không ngừng nghỉ của toàn bộ ekip trong thời gian qua. Bởi dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình luyện tập của các diễn viên. Về lâu dài, êkíp mong tác phẩm trở thành điểm hẹn về du lịch - văn hóa, hướng tới các khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa Á Đông. Biên đạo múa Tuyết Minh cũng cho biết thêm sau lần công diễn ra mắt, vở Ballet Kiều đã nhận được một số lời mời trình diễn.

Trong đó có thể kể đến kế hoạch mang vở Ballet Kiều trình diễn tại các trường đại học. Sau buổi công diễn đầu tiên vào tối 20/6 tại Nhà hát TP HCM, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ cũng đã đặt hàng HBSO tổ chức một suất diễn Ballet Kiều vào tối 24/7. Đến tối 14/8, Ballet Kiều sẽ được tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Kế hoạch dài hơi

Có thể nói thành công của sân khấu vừa qua ghi nhận một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: Sau mùa đại dịch thì các nhà hát đều lâm vào tình trạng khó khăn chung. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ công nhân viên mà các kế hoạch hoạt động nghệ thuật cũng bị đảo lộn, nhiều chương trình bị chậm tiến độ.

"Nhưng rõ ràng sau đại dịch, đời sống xã hội đã có một vài thay đổi. Cả trong tư duy, cách sống, cách nghĩ của mỗi con người. Có thể từ đây mà tình cảm của mọi người đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng sẽ trở nên sâu đậm hơn. Đây cũng chính là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống, trong đó có Nhà hát chúng tôi".

NSND Triệu Trung Kiên cũng cho biết, Nhà hát cũng đang dự định triển khai những chương trình nghệ thuật trọng điểm của mình như dàn dựng hai vở diễn đặt hàng là “Bão ngầm”, “Cây gậy thần” với nhiều thử nghiệm mới. Một vở diễn xã hội hóa “Bông sen đẹp nhất” và một vài chương trình nghệ thuật đa dạng khác hướng tới phục vụ các tầng lớp khán giả.

Ngoài ra, Nhà hát cũng đang dự kiến tổ chức biểu diễn thường xuyên tại Hà Nội (một tháng khoảng 1,2 buổi) để cống hiến cho khán giả những tác phẩm đầy tâm huyết của Nhà hát. Đặc biệt, vào tối ngày 11/7 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng công diễn vở “Chuyện tình Khau Vai” với sự quy tụ của các diễn viên 2 miền Nam - Bắc.

“Sự sáng đèn trở lại của các rạp hát là động lực lớn, đồng thời tìm kiếm thêm giải pháp thu hút khán giả đến rạp. Để giữ chân khán giả một cách dài hơi, đây cũng là dịp lắng nghe khán giả nói lên những kỳ vọng đối với sản phẩm nghệ thuật”- NSND Triệu Trung Kiên bày tỏ.

Bên cạnh sự đồng hành của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, mới đây Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng vừa lên kế hoạch tổ chức hàng loạt các cuộc thi, liên hoan. Cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2020, Hội sẽ chủ trì hoặc phối hợp tổ chức một loạt các sự kiện, trong đó có 7 liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Đầu tiên sẽ là Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV vào tháng 7/2020 tại Hà Nội. Đến nay, Liên hoan đã có 26 đơn vị, đoàn nghệ thuật và 35 vở diễn đăng ký tham gia.

Nối tiếp liên hoan này sẽ là Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên Tuồng, Dân ca toàn quốc tại Bình Định, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 tại Hà Nội, Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2020 tại tỉnh Cà Mau, Liên hoan Tài năng trẻ Kịch nói toàn quốc tại Hà Nội, Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang - 2020 (chung kết tại TP Hồ Chí Minh), Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc tại tỉnh Hà Nam.

Ngoài ra, Hội còn khá nhiều hoạt động quy mô khác như Trại sáng tác tại Đại Lải, trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Nhà sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, các chuyến đi thực tế biển đảo, biên giới; các vùng kinh tế công - nông nghiệp phát triển để văn nghệ sĩ nắm bắt đời sống xã hội; hội thảo về sáp nhập và xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật sân khấu, hội thảo về sân khấu Việt Nam và sân khấu thế giới, chương trình tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận nhân dịp kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu hồi sinh sau đại dịch