Nghệ thuật sân khấu thời gian qua đang đối mặt với vô số thách thức. Theo một số chuyên gia văn hóa, nếu từng đơn vị nghệ thuật không tự “chuyên nghiệp hóa” sẽ khó lòng cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí khác.
Quá nhiều sự tụt hậu
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các loại hình giải trí không thể phủ nhận các loại hình sân khấu đang dần đánh mất vai trò, vị thế của mình trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Nguyên nhân đầu tiên, đó chính là sân khấu Việt giờ đây đang có quá ít các tác phẩm “hút khách”, những thành viên sáng tạo ít có sự bứt phá để thích nghi với sự phát triển chung.
Từng tham gia trong các Hội đồng thẩm định các vở diễn, NSƯT Đỗ Kỷ, Trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) nhận định, hiện nay nhiều tác giả vẫn sáng tác theo phương thức như bấy lâu nay vẫn vậy, mà chưa có sự đột phá trong cấu trúc, những phát hiện mới có tính cảnh báo, dự báo trên những câu chuyện cũ. Có những vở diễn ra đời mà người xem không hiểu ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm thông điệp gì, bởi câu chuyện kịch lộn xộn, mối quan hệ giữa các nhân vật, xung đột kịch thiếu tính logic…
NSƯT Đỗ Kỷ cũng phân tích, các tác giả hiện nay đa phần là những tác giả tay ngang, họ làm những công việc khác để sinh sống, lúc nào hứng lên thì viết chơi, có vở hay thì được nhiều đơn vị nhận dàn dựng, vở không hay không đâu dựng thì cũng chẳng sao. Công việc sáng tác kịch bản như một việc làm thêm chưa phải là một công việc chính thống để tồn tại nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì lẽ đó mà lực lượng tác giả đã chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay mà lại còn rất thiếu. “Các tác giả còn né tránh những vấn đề nổi cộm, những vấn đề nóng phát sinh trong đời sống đương đại, đặc biệt là phản ánh những tiêu cực, những cái xấu đang hoành hành để mọi người lên án và tránh xa, làm cho kịch bản sân khấu có phần xa rời với đời sống hiện nay” - NSƯT Đỗ Kỷ nói.
Ngoài yếu tố về nội dung thì sân khấu hiện nay vẫn chưa thế thỏa mãn khán giả về phần nghe và phần nhìn. Việc trang trí sân khấu nhiều năm qua vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, chưa gợi mở sức tưởng tượng của người xem, thiết kế sân khấu ít chú ý tới tạo ý mà chỉ tạo không gian đơn thuần, chưa áp dụng được nhiều khoa học công nghệ hiện đại mà đa phần là những hình thức bục bệ đủ các loại hình hài được sơn phủ đã quá nhàm chán với người xem. Ánh sáng và âm thanh thì khá lạc hậu và thiếu thốn không đáp ứng đúng yêu cầu của ê kíp sáng tạo. Có một thực tế đáng buồn là hiện nay sân khấu không có những đạo diễn ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Ở tất cả các đơn vị nghệ thuật hầu như mới chỉ có người điều khiển ánh sáng và âm thanh được chuyển từ công việc khác sang đảm nhận, thực hiện thụ động theo yêu cầu của đạo diễn.
Loay hoay “cơm áo, gạo tiền”
Từ thực tế trên, có thể nói ngành sân khấu dù đang rất nỗ lực nhưng vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Thậm chí mới đây thực hiện chủ trương tinh gọn các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã khiến nhiều loại hình sân khấu rơi vào “bờ vực sinh tử”. Đơn cử như kịch nói nếu như trước đây có khoảng 19 đơn vị kịch nói công lập thì nay chỉ còn 7 đơn vị mang tên “chính danh”. Việc những đoàn kịch bị sáp nhập đều hoạt động trong trạng thái cầm chừng, “hấp hối”, không có doanh thu và việc sáp nhập mới chỉ thể hiện trên phương diện hành chính, là “phép cộng cơ học”, gây ra xáo trộn về nhân sự, bất ổn về tâm lý nghệ sĩ. Nhiều địa phương không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập, hoạt động dần bị “nghiệp dư hóa” và kịch nói bị “xóa sổ”.
Bên cạnh đó, việc thi tuyển biên chế ngành diễn viên, ngành nghệ thuật biểu diễn từ nhiều năm nay bị ngừng lại, không bổ sung thêm chỉ tiêu, đồng thời các đoàn, nhà hát không được cấp ngân sách để trả lương cho các lao động hợp đồng. Nếu đơn vị nào muốn tuyển dụng các nghệ sĩ trẻ thì phải tự chi trả bằng kinh phí của chính đơn vị. Điều này tạo nên khó khăn đối với cả nghệ sĩ và lãnh đạo các đơn vị. Do doanh thu hạn chế dẫn đến việc các đơn vị chi trả lương cho các diễn viên trẻ dưới hình thức hợp đồng thời vụ với mức chi trả thấp và không có bảo hiểm xã hội. Với thu nhập thấp và công việc không ổn định, các đoàn, nhà hát kịch càng khó tuyển dụng, không giữ chân được tài năng trẻ, đồng thời nhiều tài năng trẻ bỏ nghề, đi làm công việc khác để mưu sinh. Khi thiếu hụt tài năng trẻ, sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng sẽ thiếu hụt sức thanh xuân, hấp dẫn khán giả và suy giảm về chất lượng sáng tạo nghệ thuật.
Chuyên gia trong lĩnh vực này, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định, nhiều tỉnh đã coi đoàn văn công là đơn vị hành chính, đã thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối theo phương thức hành chính và họ đã khai tử các đơn vị kịch nói chỉ vì không phải là thể loại truyền thống. Họ đã quên kịch nói một thời là chiếc xe cứu thương, chiếc xe cứu hỏa làm nên những giá trị lớn lao trong nền nghệ thuật sân khấu cách mạng.
Đưa ra giải pháp cho sân khấu phát triển, Nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc cho rằng, để “chuyên nghiệp hóa” sân khấu bên cạnh việc bảo vệ những thành tựu đã có được chính đội ngũ làm nghề cần phải chuyên nghiệp hóa cũng như thích nghi với sự phát triển chung. Cao hơn nữa, trong cơ chế hiện nay đòi hỏi phải có sự quy hoạch hoá các đoàn nghệ thuật. Quy hoạch ở tầm cỡ, quy mô quốc gia các đơn vị nghệ thuật theo thực tế hoạt động của đoàn và đặc điểm của sân khấu Việt Nam nền sân khấu đa dạng và giàu bản sắc. Quan trọng hơn cả là giáo dục, đào tạo cho đến nơi đến chốn một đội ngũ làm nghề đồng bộ và chuyên nghiệp cho sân khấu đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của công chúng.
“Để giải quyết triệt để tình trạng nghiệp dư hoá sàn diễn, phải chăng chúng ta nên đi lại con đường kịch nói Việt Nam đã đi. Đó là, cử người đi học tập ở các nước có nền sân khấu tiên tiến, lấy thêm sức mạnh từ sự tiếp sức của các nền sân khấu chuyên nghiệp trong đào tạo để củng cố, phát huy những thành quả thế hệ cha anh đã đạt được” - Nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc nói.