Săn lịch biển

ĐOÀN XÁ 12/02/2023 10:00

Trên những bãi bồi rộng mênh mông nơi cửa sông, vào thời gian giữa con triều lên và xuống, những ngư dân cặm cụi bước vào mùa săn lịch biển. Từ cửa biển Gò Công cho tới vùng Duyên Hải, Gành Hào hay cả bãi Cà Mau, lịch (gần giống con lươn, sống ở nước lợ) đang là sinh kế mang lại thu nhập cho ngư dân nghèo.

Những ngư dân săn lịch ở Đầm Rơi.

Lầm lũi mưu sinh

Bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên, nhóm 3 người của anh Nguyễn Văn Duyện đang ngồi ăn vội hộp cơm tấm để bắt đầu một ngày làm việc. Ngay đó, nơi ven bãi lầy cửa sông nước thủy triều đang dần rút đi, để lộ ra một vùng nước bùn sình rộng mênh mông kéo dài nhiều cây số ở ven cửa sông Cái Lớn (huyện Đầm Rơi, Cà Mau).

Từ lâu, mỗi khi thủy triều rút đi những bãi bồi này là thế giới mưu sinh của nhóm anh Duyện với nghề săn bắt lịch biển. “Ở đây lịch nhiều lắm. Lịch ở vùng này bự và béo hơn lịch ở sâu trong các nhánh sông. Có lẽ do thức ăn vùng cửa sông nhiều hơn. Chúng tôi đều quê ở Long Hòa nhưng chạy xe máy xuống đây săn lịch. Nay ở đây vài bữa rồi chạy lên mấy khu đầm bên Bảy Hạp, có khi vòng xuống cửa kênh Cái Keo, Gành Hào nữa. Đi khắp nơi vậy đó”, anh Duyện cho biết.

Theo người đàn ông này, hiện mỗi ngày anh thường bắt được từ 3-4 kg lịch, bán cho thương lái giá khoảng 100 ngàn đồng mỗi kg loại một. Nghề săn lịch vất vả vì phải lội bùn đất nhưng lại không phải bỏ vốn mua ngư cụ mà ngày nào cũng có tiền. “Ở đây lịch dễ bán lắm, chỗ nào họ cũng mua hết. Chứ như cá bống, cá thòi lòi thì chỉ có mấy vựa lớn họ mới mua rồi đem lên thành phố. Mà giá cũng rẻ lắm, 1kg chỉ 20-30 ngàn đồng mà phải bảo quản để chúng sống khỏe", anh Duyện chia sẻ thêm.

Theo chân những người săn lịch, chúng tôi lội xuống vùng bãi bồi, nơi mà nước triều vừa rút đi để lộ ra lớp bùn nhão và những hốc nước nhỏ lâu lâu sủi bọt lên. “Những hốc này là cá bống, cá thòi lòi. Mùa này cá bống còn nhỏ lắm, phải tới tháng 6 mới bự. Còn những hốc phía bên kia gần những gốc cây là của lịch. Nhưng không phải hốc nào cũng có lịch đâu. Phải tìm dăm hốc thì mới có lịch ở trong đó. Giờ đang mùa lịch nên nhiều người đi săn lắm. Trước kia lịch chỉ là nghề săn chơi lúc rảnh rỗi còn bây giờ bán có tiền nên nhiều người làm chính luôn”, anh Khiêm - một người trong nhóm kể.

Ở địa bàn các huyện như Đầm Rơi, Cái Nước, Ngọc Hiển (Cà Mau) hay Gành Hào, Nhà Mát (Bạc Liêu)... có rất nhiều lịch. Ngoài vùng cửa sông ven biển, lịch cũng sinh sống ở những nhánh sông, đầm nước lợ. Đây là môi trường sống đặc trưng của loài thủy sản này và cũng giúp chúng khác với lươn, loài vật có hình dáng bề ngoài tương tự nhưng sống trong môi trường nước ngọt. “Ở đây người ta có nhiều cách săn lịch lắm. Do chúng sống trong các hang, ngách dưới bùn nên mình có thể đợi nước triều rút đi, tìm nơi chúng ẩn náu rồi bắt. Nhưng có nhiều nơi nước triều rút mà vẫn ngập thì người ta dùng ngoắc (loại móc bằng thép) để kiếm lịch. Trước kia anh em tôi cũng xài ngoắc nhưng hiện giờ lịch ít rồi, phải kiếm trúng hang của nó mới có chứ ngoắc không kiếm được nữa”, anh Khiêm kể thêm.

Quan sát nhóm anh Duyện gồm 3 người lội trên vùng bùn nhão, lâu lâu lại thấy cúi người xuống sát mặt bùn để thọc tay vào trong đất tìm kiếm. Chừng vài phút sau thành quả là một chú lịch màu vàng ươm, rồi nhẹ nhàng bỏ vào chiếc thùng bằng nhựa mang theo. Công việc cứ thế diễn ra, có vẻ lầm lũi. Nhẩm tính, với khoảng 4 kg lịch sau nửa ngày làm việc, trừ tiền xăng xe ăn uống, những người dân này cũng kiếm được khoảng 250 ngàn đồng.

Lịch - đặc sản của vùng đất Cà Mau.

Đặc sản nơi cuối trời

Là vùng đất xa xôi nhất của đất nước, Cà Mau nổi tiếng với những điểm đến lý thú nơi địa đầu Tổ quốc. Vùng đất này cũng nổi tiếng với nhiều loại đặc sản, hầu hết xuất phát từ môi trường nước như cua, cá hay mật ong rừng U Minh. Tuy nhiên những năm gần đây, lịch biển được nhiều khách du lịch từ phương xa tới Cà Mau tìm kiếm. Dù lịch xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ vùng ven biển Gò Công của Tiền Giang cho tới Trần Đề (Sóc Trăng) hay Duyên Hải (Trà Vinh) nhưng dường như chỉ ở Cà Mau chúng mới xuất hiện nhiều, được săn bắt nhiều và coi là một đặc sản quen thuộc.

Những người đi về Cà Mau sẽ rất dễ dàng để thấy lịch được bày bán ở khắp nơi ven các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Bà Nguyễn Thị Hồng, một người bán lịch ở ven quốc lộ 1A ngay cổng chợ Tắc Vân (TP Cà Mau) cho biết đã bán ở đây được gần 10 năm. Bà Hồng kể, trước kia chồng và con út bà thường đi bắt lịch nên ngày nào bà cũng đem ra đây bán cho khách. “Mấy năm nay người mua nhiều, nhà tôi chuyển qua thu mua lịch chứ không bắt nữa. Ngày nào ông xã với vợ chồng con út cũng đi về các xã ở Đầm Rơi để gom lịch hết. Dưới đó có nhiều người săn lắm. Mùa này khách du lịch về Cà Mau nhiều nên họ mua cũng nhiều. Tôi còn bỏ mối lại cho mấy quán ăn trong thành phố nữa. Hiện nay lịch giá cũng xuống rồi, chỉ khoảng 120-130 ngàn đồng mỗi ký thôi, chứ trước tết lên gần 200 ngàn đồng đấy. Mình lấy của người ta đã gần 100 ngàn đồng một ký rồi”, bà Hồng chia sẻ.

Cũng theo người phụ nữ này, mỗi ngày bà bán được khoảng 50-60 kg lịch. Ngoài lịch tươi sống, ở đây một số người còn làm khô để bán bởi có thể để được lâu và du khách dễ dàng vận chuyển đi nơi khác. Cũng như các loại khô cá kèo, cá sặc hay khô rắn, khô ếch thì khô lịch là mặt hàng dân dã nhưng lại là đặc trưng của vùng đất này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lịch của người dân Cà Mau bày bán cũng theo đặc trưng riêng. Nhiều nơi khác, lịch được nhốt trong những bể kính lớn như lươn hay chạch trấu. Nhưng ở Cà Mau ngư dân cho lịch vào từng bịch nilon và buộc kín lại. “Lịch là loài sống trong môi trường bùn nhão nên chúng cần ít không khí để thở. Ngay cả khi bắt lên rồi chúng vẫn có thể sống khỏe tới 1 ngày trong môi trường kín. Vì vậy nhiều người ở đây buộc chúng vào những bịch nilon kín với một chút nước lợ là chúng có thể sống khỏe suốt cả ngày. Để trong bịch cũng dễ dàng mang đi xa chứ nếu cho vào những hộp khác chúng có thể luồn lách mà chạy đi mất không biết chừng”, một người bán lịch cho biết. ĐOÀN XÁ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn lịch biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO