Nam Bộ bước vào mùa mưa, cũng là lúc người nghèo ở các địa phương như Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập… (tỉnh Bình Phước) hay Vĩnh Cửu, Thống Nhất (Đồng Nai) hối hả rủ nhau đi săn lộc rừng.
Ở đó, dưới những cánh rừng đại ngàn dường như ngủ quên sau một mùa khô dài đằng đẵng bỗng dưng bừng tỉnh đâm chồi, rất nhiều thứ lộc rừng cũng hình thành. Đó có thể chỉ là những nhành lan rừng, măng rừng, gốc cây hay những thứ quý giá hơn như trầm, nhung hươu nai, mật ong… như từ hàng ngàn năm qua nhưng lại là “món quà” có ý nghĩa rất lớn với đồng bào người dân tộc nơi đây.
Những người phụ nữ đi hái thuốc.
Xuyên rừng tìm thuốc quý
Từ ngã ba Bù Gia Mập nằm trên tuyến tỉnh lộ ĐT 471 chạy dọc miền biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia, chúng tôi gặp một tốp người đang dừng chân bên đường nghỉ uống nước. Anh Điểu Lâu, một người dân tộc X’tiêng chia sẻ: “Nhóm của mình toàn người đi rừng lấy thuốc, lấy nấm cả. Từ 4 giờ sáng cả nhóm, gồm 6,7 người đã hẹn nhau ở bên nhà ở dưới Bù Lim rồi chạy xe qua đây để lên Bù Bưng, sau đó gửi xe để đi sâu vào rừng ở bên phía biên giới tìm thuốc. Mùa này bắt đầu mưa, nhiều loại thuốc quý như cây lá rừng, nấm, linh chi, sâm… hiện ra nên rất đông người vào rừng. Nhiều người gọi đây là lộc rừng, vì nó chỉ xuất hiện ít tháng mùa mưa, đến mùa khô hầu như không còn nữa, rất khó kiếm”.
Anh Điểu Lâu cũng cho biết, mặc dù đơn giản nhưng việc đi săn lộc rừng hiện nay cũng không dễ dàng gì, nếu không muốn nói là gian nan. “Nhiều loài nấm, linh chi nằm sâu trong những tán cây, thảm lá mục nên việc tìm chúng rất khó.
Nấm linh chi, lộc rừng sau một ngày vất vả.
Nhiều khi phải trèo lên những mỏm rừng hiểm trở, những khu vực ít người đặt chân tới. Đấy là chưa kể vô vàn các tai nạn luôn rình rập người đi rừng mùa mưa này. Nếu không phải người địa phương, am hiểu về nơi này thì vào rừng còn khó ra chứ đừng nói kiếm tìm sản vật.
Mới đây, cậu em tôi ở dưới Bù Ka đi hái nấm bị trượt chân ngã xuống thung lũng bên núi Bà Rá, gãy chân nằm viện nửa tháng mới ngồi xe máy được”, anh tiếp lời. Về công việc của mình, anh cũng chia sẻ. Do mọi người đều là dân bản địa, sinh sống quanh đây từ nhỏ nên thông thạo địa hình. Mùa mưa thì vào rừng tìm lộc, mùa khô thì xuống hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Sok Phú Miêng quăng chài bắt cá. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng không phải là không có sinh kế.
Niềm vui với lộc rừng.
Một người khác, ông Điểu Nhân (66 tuổi), từng có kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, cùng nhóm với anh Lâu cho biết, mặc dù nấm linh chi có tuổi đời hàng chục nhưng thường đến mùa mưa mới dễ khai thác vì chúng hay lộ ra bên ngoài. Hơn nữa, vì mùa mưa có nhiều lộc nên nếu không tìm được nấm, người đi rừng cũng còn nhiều thứ khác để lấy.
“Hiện, nấm linh chi có giá cả triệu hay vài triệu đồng một tai nên dân quanh vùng, nhiều người rủ nhau đi săn linh chi. Mà linh chi ngày càng hiếm, nằm sâu trong rừng thiêng nước độc chứ ven đây hầu như không còn nữa. Nhiều khi phải đi cả mấy ngày, hoặc suốt tuần lễ mới về, sang tận bên những cánh rừng đầu nguồn biên giới trên Bù Cháp, Bù Chập mới có. Những khi ấy, ngoài chiếc gùi để đựng hàng, người đi rừng còn phải mang theo đồ ăn, nước uống hay bạt để ngủ qua đêm trong rừng”, ông Nhân kể.
Tuy nhiên đi săn nấm linh chi không phải là những thợ săn duy nhất. Mùa mưa ở đây cũng là thời điểm hàng chục thợ săn ong đất (hay còn gọi là ong bắp cày) rủ nhau tìm vào những cánh rừng ở Bù Gia Mập, Bà Rá, Bù Đăng tìm mật và nhộng của loài ong độc đáo này. Ông Hồ Mây, một người dân tộc Nùng ở bên Đắc U đã có kinh nghiệm nhiều năm đi săn ong đất cho biết. Khác với ong trời, ong đất ngoài mật còn có nhộng non được nhiều người ưa chuộng vì hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng để ngâm rượu uống rất mát, bổ thận và đường tiêu hóa. Ngoài ra, mật ong đất hiện nay cũng rất được ưa chuộng mặc dù mật của chúng không ngọt như ong trời.
Phần vì nó ngày càng hiếm, phần vì đây là đặc sản tự nhiên độc đáo, rất ít nơi ở phía Nam như nơi đây có được. Nhiều tổ ong đất lớn, có giá cả triệu đồng chứ không ít. Tuy nhiên, người đàn ông có nước da rám nắng, mái tóc bạc nửa đầu cũng thật thà bảo. Tuy ong đất có giá nhưng để săn được chúng là rất khó, phải có kinh nghiệm.
“Ong đất có đặc tính là nằm trong hốc cây mục, hốc đất mềm xốp nên phải tìm rất cực. Hơn nữa, không như ong trời men theo mùa hoa, ong đất thường ăn côn trùng, động vật nhỏ nên khó tìm hơn. Nhiều khi thấy ong bay trong rừng mà mất cả ngày lần theo chúng. Khi tìm được tổ rồi, việc đào cũng rất khó bởi loài ong này độc. Nếu bị chừng chục con ong đốt, có khi phải lấy lá giải độc uống ngay mới giữ được mạng sống”, ông nói.
Bật mí thêm một chút về công việc săn ong đất, ông Hồ Mây bảo, loài ong này không hút mật, chỉ ăn xác các loài côn trùng, động vật nhỏ nên chú ý tìm những nơi thảm lá mục. Ngoài ra, ong đất cũng không kiếm ăn xa, chỉ loanh quanh tổ chừng vài trăm mét.
Nếu phát hiện ra chúng, kiên nhẫn bám theo để tìm tổ là được. Trước khi đào ong đất, phải bịt kín người bằng quần áo vải dày, đeo khẩu trang đề phòng ong trích. Ong đất ít khi tấn công người nhưng nếu bị tấn công, chúng sẽ trở lên rất nguy hiểm.
“Ngoài ra, khi săn ong đất, người lâu năm trong nghề nên để lại một phần tổ, một phần nhộng non để ong tiếp tục làm tổ. Như thế mình tạo đường sống cho chúng, và cũng là cho chính mình nếu muốn mùa mưa năm sau có thể tiếp tục tìm tới đây”, ông Mây giãi bày.
Nặng gánh buổi chiều trở về.
Nguy hiểm giữa rừng già
Cuộc sống của những người đi rừng ngày càng khó khăn và bất trắc, đó là điều mà ai cũng biết. Ngoài những người đàn ông đã am hiểu về rừng, thành thạo và khỏe mạnh, chúng tôi cũng gặp rất nhiều phụ nữ đâu đó trong đại ngàn của những ngày rong ruổi này. Họ, những phụ nữ miền núi lưng đeo gùi, mặt hằn lên những nhọc nhằn và bộ ngực để trần lầm lũi cùng nhau đi vào rừng để hái lá, hái thuốc hay đào củ sâm đất.
Nhiều khi, đơn giản hơn, lộc rừng với họ của chỉ là cành củi khô đem về đốt làm than hoa bán cho người xuôi dưới chợ huyện. Nếu những ai từng thử trèo trên những quả đồi rựng đứng, những con dốc ngoằn nghèo, những vách đá cheo leo… sẽ hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của những người phụ nữ này. Đặc biệt, trên vai họ, ngoài chiếc gùi còn có gánh nặng của cơm áo, của những đứa con và gia đình nơi triền đồi nào đó.
Kể về chuyện đi rừng tìm lộc, chị Thị Xiu, người dân tộc Tày ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Mùa này, nước mưa từ phía thượng nguồn theo các dòng suối bắt đầu đổ về sông Đại Bình để về xuôi. Mà suối thường cắt ngang đường nên phụ nữ vào rừng rất vất vả, nhiều khi trượt chân bị cuốn theo dòng nước là thường.
Thế nên hầu hết chị em phải đi theo nhóm, vài người cùng nhau. Sáng sớm mang theo cơm, nước uống để đi hái lá thuốc. Bây giờ rừng nguyên sơ đã giảm, rừng trồng, rừng cây công nghiệp mọc lên nhiều khiến cho việc đi rừng khó khăn hơn. Nhiều khi đi từ sáng tới trưa mới bìa rừng. Nhưng điều những người phụ nữ đi rừng sợ nhất chính là thú độc.
Ở rừng, nhiều con vật tưởng như bình thường cũng hóa nguy hiểm. Vài con nhện độc, gai độc, hay nguy hiểm hơn nữa là rắn, bò cạp độc. Chúng nằm ẩn đâu đó trong cành cây, thảm lá nên nếu chẳng may bị cắn, chỉ cần đau đớn thôi là cũng khó trở về nhà kịp trời tối rồi. Đấy là chưa kể chuyện bị ngã, bị trượt chân, bị bệnh trong rừng nữa”.
Hỏi chuyện tiền bạc thu được, chị cười buồn. Sinh ra ở rừng, sống bám vào rừng nhờ những hoa trái, củ quả bao đời nay, người dân quanh vùng ít khi tính chuyện tiền bạc. Chỉ gần đây, người xuôi lên mua bán nhiều, tiền bạc mới trở thành quan trọng với đồng bào mà thôi. Với người phụ nữ quanh đây, đi rừng cũng như đi câu, không ai biết sẽ lấy được gì, bán được giá bao nhiêu. Tất cả do ông trời cả mà thôi. “Điều may mắn nhất với những người con của rừng là những cánh rừng hoang sơ nơi này vẫn đủ dang rộng vòng tay, đủ sản vật, đủ lộc để nuôi sống con người”, chị chia sẻ thêm.
Được biết, vùng rừng núi ven chân đèo Bảo Lộc kéo dài tới triền núi Chúa là một dải núi vòng cung, ôm trùm lấy thung lũng khổng lồ Bảo Lộc dài hàng vài chục cây số.
Dọc theo dải rừng này, tuyến đường đất đỏ Bờ Lao Rê Xê như sợi chỉ mềm chạy những dải rừng núi um tùm màu xanh bao đời ấy để những phận người nhỏ bé, cần mẫn, lầm lũi bám vào rừng mưu sinh.
Vẫn biết, rừng xanh bạt ngàn đó luôn mang đến nguồn sống vô tận cho những con người nhỏ bé, chủ nhân của mảnh đất này nhưng thực tế, “ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”. Để kiếm được những thứ lộc rừng quý giá mùa mưa này, ngoài công sức, những nông dân nơi đây còn đối mặt với khó khăn, nguy hiểm dưới rừng.
Đứng trên đỉnh đèo Bảo Lộc, dõi tầm mắt ra xa xa, nơi những cánh rừng êm đềm một màu xanh dường như vĩnh cửu kia, chúng tôi bất giác nhớ về bàn chân trần của những người phụ nữ dân tộc đang lầm lũi trèo ở lưng chừng dải núi Chúa. Thành quả của họ, những lộc rừng quý giá mà chúng ta thấy đâu đó không chỉ có mồ hô, công sức của họ mà nhiều khi còn là cả giọt nước mắt, và nguy hiểm chực chờ.