Dưới tán rừng lá thấp rậm rạp, những bụi cây dại, dây leo chằng chịt, vuông tôm bỏ hoang ít người lui tới ở xứ U Minh ngập mặn là mấy bóng nhỏ bé, lặng lẽ, cần mẫn và chăm chỉ. Họ là những thợ săn ong (còn gọi là ăn ong) ruồi, một đặc sản nơi đây.
Cùng một đoạn sông Cái Tàu, sông Trẹm chia đôi những cánh rừng rộng bạt ngàn ở xứ U Minh thành rừng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) nhưng với những người săn ong ruồi, công việc của họ không có ranh giới. Ngày này qua ngày khác, họ len lỏi hầu khắp các cánh rừng ngập mặn, nhất là những nơi ít cư dân sinh sống từ vùng Nam Thái, Nam Yên xuôi về Khánh Hoà, Khánh Tiến hay xuống tận Khánh Hưng, Khánh Hải… để tìm kiếm mật ong.
Thường thì các thợ ăn ong sẽ đi theo nhóm chừng vài người bằng xe gắn máy. Khi tới địa điểm được chọn lựa, họ sẽ dừng lại và để xe trong bụi cây ven đường rồi toả đi mỗi người một hướng. Tới tầm trưa họ sẽ quay trở về chỗ cất xe gắn máy để nghỉ ngơi và ăn cơm sau đó lấy xe chạy tới một địa điểm khác và lại tiếp tục công việc cho tới chiều. Ngoài ra, những người ăn ong còn sử dụng điện thoại liên lạc với nhau khi cần. Tại khu vực ven biển xã Đông Hưng A (huyện An Minh, Kiên Giang), chúng tôi gặp nhóm 4 người đi săn ong ruồi của anh Trần Văn Tam, 34 tuổi lúc các anh vừa ăn cơm trưa xong. Anh Tam bảo các anh đều ở trên thị trấn Thứ Mười Một nhưng bữa nay chạy xe về đây săn ong.
“Chúng tôi để xe gắn máy ở đây rồi lội bộ men theo con đường đất người ta nuôi tôm, nuôi cua, các khu bụi rừng rậm bỏ hoang để tìm ong. Ong ruồi khác với ong mật vì chúng nhỏ, nhìn đen như con ruồi. Ong ruồi thường làm tổ ở những tán cây thấp chứ không làm trên cao như ong mật đâu. Mình lội bộ, thấy chỗ nào có ong ruồi bay thì nương theo đó để tìm tổ của chúng. Thường thì ong ruồi sẽ không bay quá xa nơi tổ để kiếm bông hoa đâu. Chúng cũng có thói quen kiếm hoa dại, đặc biệt là cây lức ở vùng ngập mặn để lấy mật. Chỗ nào nhiều cây lức thì nhất định là có tổ ong ruồi. Chỉ khác là tổ lớn hay nhỏ mà thôi”, anh Tam kể.
“Nghề đi ong này cũng hên xui lắm, có lúc thì trúng hai, ba lít mật nhưng cũng có lúc chỉ nửa lít thôi. Cái quan trọng là mình đi nhiều, hiểu được tập tính loài ong và những khách hàng đặt mua cũng yên tâm. Giờ người ta nuôi ong khắp nơi nên rất khó phát hiện mật ong nuôi và ong tự nhiên. Chỉ còn cách tin tưởng vào thợ săn ong mà thôi. Nhìn mặt anh em chúng tôi này, ai cũng từng bị ong đốt sưng rộp cả mắt, cả mặt, tay chân thì chi chít vết ong tấn công nên người ta mua cũng tin tưởng lắm”, anh Tam chia sẻ thêm.
Theo những thợ săn ong ruồi, ngoài đặc tính lấy trực tiếp từ thiên nhiên, mật ong ruồi hiện nay có giá trị cao và được nhiều người ưa thích còn bởi vì loài ong này hút mật từ cây lức. Theo đông y, cây lức có nhiều tác dụng như trị giảm ho, giảm sốt, hạ nhiệt… nên mật ong ruồi cũng có thêm những đặc tính như trên. Mật ong ruồi có ở nhiều nơi lắm nhưng ở xứ U Minh nó đặc biệt hơn vì mật có hương vị của cây lức. Cây lức thường mọc hoang ở đây nhiều do xứ này ngập mặn, thích hợp với nó. Khi lấy tổ ong, người thợ săn còn để luôn cả tổ ong vì nhiều khách hàng mua mật họ thích như vậy để không bị làm giả. Mà lấy mật từ tổ ong cũng dễ lắm, chỉ cần lấy dao cắt nhẹ từng lát rồi vắt ra lọc qua tấm lưới là có thể sử dụng được.
Trong khi đó, một thợ săn ong khác là anh Nguyễn Văn Thọ, 29 tuổi thì cho biết mỗi ngày trung bình các anh lội bộ khoảng hai, ba chục cây số. “Những tổ ong ruồi có kích thước nhỏ hơn tổ ong mật rất nhiều. Chúng chỉ nặng chừng 2-4 xị (10 xị là 1 lít) mà thôi. Có lúc tổ ong chỉ được hơn xị, nhìn nhỏ xíu xíu à. Nhưng cũng có lúc may mắn kiếm được tổ 6-7 xị, vì chúng nằm ở nơi khuất lấp không ai thấy. Những đàn ong đông, làm tổ nhiều tháng thì lượng mật tích trữ được sẽ nhiều hơn. Hiện nay, mật ong ruồi được bán với giá khoảng bảy tới tám trăm ngàn đồng mỗi lít. Thời gian này mùa mưa bắt đầu nên giá cũng có giảm đi chút xíu”, anh Thọ cho biết thêm.
Theo những thợ đi săn ong này, dù vất vả nhưng nếu may mắn mỗi ngày họ có thể kiếm được chừng gần một triệu đồng tiền mật ong, một số tiền khá lớn với những cư dân nghèo ở vùng rừng ngập mặn U Minh. Sau khi trừ chi phí xăng xe, tiền ăn uống họ cũng để ra được vài trăm ngàn đồng. Chỉ có điều, cũng như nhiều nghề đi săn khác, thu nhập của họ không ổn định, bấp bênh. Mùa mưa họ có thể phải ở nhà hoặc chấp nhận tay trắng nếu đi tìm ong.
Đặc biệt hơn, dù ong ruồi không tấn công người, không chích gây ra vết thương nhưng vẫn có nhiều tai nạn tiềm ẩn, chực chờ thợ ăn ong. Trong đó có nguyên nhân là khi đi tìm mật ong ruồi, nhiều thợ vẫn bắt gặp các tổ ong mật khác và họ có thể bị những loại ong này tấn công. Việc thợ săn ong bị ong tấn công là điều khá bình thường, lâu lâu vẫn gặp phải. Ngoài ra, vì thường xuyên phải lăn lóc ở những nơi hoang vắng, rậm rạp… nên họ cũng có thể bị các loại bò sát, côn trùng khác tấn công.
Kể về tai nạn nghề nghiệp khi đi săn ong, anh Tam bảo dù mới theo nghề gần 5 năm nhưng anh đã bị hàng chục lần đàn ong đuổi tấn công. “Có lần mới hồi đầu năm đây thôi, tôi đang đi tìm ong ở dưới kênh Ông Đường bên gần bến phà Thứ Mười thì gặp đàn ong ruồi. Mừng quá nên mình ngồi xuống để quan sát rồi chờ đi theo chúng. Mấy phút sau ong ruồi bay nhè nhẹ về tổ, nằm cách đó chừng hơn năm chục mét. Lúc này tôi chui vào trong lớp cây dại để quan sát kỹ tổ ong hơn. Khi thấy một tổ ong khá lớn thì tôi vui lắm, mở bọc lấy bật lửa đốt khói thuốc để xua đàn ong đi. Thế nhưng mình không để ý phía trên đầu ở ngay sau lại có một tổ ong mật khác. Thấy mình bật lửa có khói, đàn ong mật ào tới chích tới tấp vào gáy, vào vai, vào cổ khiến mình nhào người ra phía trước bỏ chạy. Đàn ong tiếp tục đuổi theo hơn chục mét nữa mới tản ra thì lúc này người rất nóng, ngứa rát ở mấy chỗ đốt. Trận đó tôi phải nghỉ mất hai mươi ngày đó”, anh Tam nhớ lại.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm lấy mật ong ruồi, một người khác trong nhóm là anh Nguyễn Văn Út 29 tuổi nhưng có kinh nghiệm săn ong gần chục năm, lâu nhất trong nhóm. Anh Út bảo từ bé anh đã theo bạn đi tìm mật ong ở gần nhà rồi, sau này lớn lên thì quyết định chọn đây làm nghề mưu sinh chính. “Ong ruồi có đặc tính rất lạ là bị kỵ dơ với khói thuốc lá. Chỉ cần thoảng hơi thuốc lá là chúng sẽ bay đi liền. Vì thế khi chúng tôi thường lấy vụn thuốc lá vò nát cho vào chiếc cốc sành. Khi gặp tổ ong ruồi mình đốt vụn thuốc lá rồi lựa theo hướng gió, thổi nhè nhẹ khói thuốc cho chúng bay về phía tổ ong ruồi. Ong gặp khói sẽ bay đi nơi khác liền. Khi đó mình nhanh tay lấy kéo cắt cành cây có tổ ong rồi cho chúng vào thùng nhựa mang. Giờ người mua thích cả tổ ong nên chúng tôi thường giữ nguyên tổ. Việc thổi khói thuốc lá cần làm nhẹ nhàng để ong ruồi bay đi nhưng không bị chết, bị yếu để chúng có thể tiếp tục tìm nhánh cây khác tụ lại thành tổ mới. Nếu may mắn, vài tháng sau mình quay lại có khi tìm thấy tổ khác”, anh Út cho biết. Theo anh Út, thợ săn ong có thể sử dụng một số vật liệu khác như vải vụn, gỗ tràm khô để đốt tạo khói xua ong ruồi với chi phí rẻ hơn.
Sau khi trò chuyện xong với chúng tôi, những người thợ săn ong lại tiếp tục thu xếp đồ nghề là những chiếc can nhựa, bộ quần áo vải dày và chiếc mũ chuyên dụng có vải thưa để che trước… rồi lên đường đi tiếp. Anh Tam bảo, bây giờ nhóm anh sẽ chạy xe về dưới đoạn bến đò thứ chín. Khu vực đó mấy tháng nay có nhiều vuông tôm, vuông cua nông dân bỏ hoang không nuôi nên có thể có nhiều ong ruồi tìm tới làm tổ. Ngày hôm nay cả bốn người trong nhóm đều được ít hơn kỳ vọng, chỉ lèo tèo 2-3 tổ nhỏ nên ai cũng hy vọng buổi chiều sẽ may mắn kiếm được những tổ ong lớn hơn.