Các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu thị trường nhận định, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng khó tính, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu tiềm năng. Người tiêu dùng đang đòi hỏi những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, trong đó phải kể đến sản phẩm hữu cơ. Vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dễ hay khó?
Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT Seagull ADC cho biết, đa phần các nước muốn trồng hữu cơ phải bỏ hoang 3 năm, còn Việt Nam là 2 năm. Nhưng nông dân giờ kiếm đâu ra mảnh đất mà chưa từng canh tác hóa học ở đó. Đó là câu hỏi khó. Tỉnh Ninh Thuận phần lớn là đất hoang hóa nên thích hợp phát triển sản phẩm hữu cơ.
Còn như đồng bằng sông Cửu Long ít có đất chưa từng canh tác hóa học trên đó. “Doanh nghiệp có nguồn lực có thể làm được chứ nông dân không thể dám bỏ đất hoang mấy năm trời”, ông Lan nói.
Ngoài điều kiện cần về đất, ông Lan cho rằng, tiêu chuẩn gì cũng được, nhưng phải ghi chép. Hôm nay làm cái gì, ghi lại cái đó. Ví dụ hôm nay bón phân gì, gieo hạt, trồng cây vào thời gian nào…Vị này chia sẻ thêm: “Trên hành trình chinh phục Organic JAS của Bộ Nông - Lâm - Thuỷ sản Nhật, chúng tôi đã bắt đầu bằng VietGap, GlobalGap. Đặc biệt, bắt đầu bằng việc ghi chép tỉ mỉ”.
Nói về sản xuất sản phẩm hữu cơ, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tấn Đạt, tỉnh Vĩnh Long thông tin, làm sản phẩm hữu cơ vừa dễ, vừa khó. Khó vì áp dụng trước nên không thể tiếp cận các chế phẩm sinh học, phải tận dụng các phương pháp dân gian. Các loại phân hữu cơ cũng không có. Khi sản xuất hữu cơ, năng suất sẽ sụt giảm nhiều so với sản xuất bằng phân hóa học. Nhiều bà con thấy sản xuất năng suất kém dễ nản.
“Muốn có sản phẩm hữu cơ phải thống nhất làm sao để các thành viên HTX phải thống nhất một quy trình sản xuất. Thứ hai, các nhà khoa học nên nghiên cứu từng vùng đất, đưa ra quy trình chuẩn từ đó các hộ nông dân, các HTX đưa vào áp dụng thống nhất. Cuối cùng, trong thời gian cải tạo đất, năng suất sụt giảm 30%, nên chấp nhận ba năm đầu không có lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó có thể vận dụng các chính sách của nhà nước hiện có để hỗ trợ thêm sản xuất hữu cơ”, ông Tài nói.
Ngoài việc sản xuất sao cho chuẩn chất hữu cơ, vấn đề thị trường tiêu thụ cũng được quan tâm hàng đầu. Ông Tài cho rằng, sản xuất sản phẩm hữu cơ thì phải đảm bảo có thị trường tiêu thụ. Thị trường phải được tính toán, tìm kiếm sớm, đừng để sản phẩm ra đời mà bế tắc thị trường. HTX phải thành lập liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, có cái khó là muốn thuyết phục được doanh nghiệp, sản phẩm phải đạt chất lượng. Ông Tài cho biết thêm: “Hiện thị trường tiêu thụ của HTX Tấn Đạt không khó. HTX Tấn Đạt được nhận ba chứng nhận quốc tế USDA của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ châu Âu và JAS của Nhật Bản. Trong 3 tiêu chuẩn của 3 thị trường trên, tiêu chuẩn của Nhật Bản là khó nhất. Nhưng chúng tôi làm được, các HTX khác cũng làm được”.
Về vấn đề thị trường, ông Trần Phong Lan cũng khẳng định, hành trình chinh phục tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản bắt đầu bằng chuẩn VietGap, GlobalGap. Bây giờ không có quy trình tiêu chuẩn không thể xuất bán sang ra nước ngoài, hoặc ngay cả bán trong nước cũng khó. Khai thác thị trường trong nước hiện nay rất quan trọng và cũng cần phải có tiêu chuẩn.
TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho rằng, mở được thị trường nước ngoài không đơn giản nhưng nếu bị cấm mã xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và nông dân sản xuất.