Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói thế khi nhắc đến những sản phẩm văn nghệ, tuy nhiên tại Bình Định, cuốn sách “Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn” của tác giả Lê Hoài Lương đang gây nên nhiều bức xúc.
Khi cuốn sách mới xuất bản, ông Lê Hồ Ngạn - con trai cố nhà thơ Lê Văn Ngăn – ngày 19/5/2016 đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý người xúc phạm danh dự của cha mình.
Đơn kiến nghị, viết: “Về việc nhận xét đối với cha tôi, Lê Hoài Lương đã dùng những từ ngữ với động cơ thù hằn cá nhân, tôi cho là vấn đề không thích hợp đối với một cuốn sách về văn chương”. Ngày 24/4/2016 nhà văn Bùi Thị Xuân Mai cũng đã gửi đơn đến Cục Bản quyền tác giả liên quan đến cuốn sách này.
Cuốn sách được hỗ trợ kinh phí
Theo đề xuất của Hội VHNT tỉnh Bình Định mà đứng đầu là ông Nguyễn An Pha – Chủ tịch Hội VHNT và ông Trần Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hội VHNT trình lên UBND tỉnh Bình Định xin kinh phí nhằm giới thiệu “thành tựu văn học tiêu biểu” của tỉnh.
Tin tưởng đề xuất trên, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý hỗ trợ số tiền gần trăm triệu đồng để thực hiện. Tuy nhiên, sau khi cuốn sách ra đời thì nhận được phản ứng khá gay gắt từ những người trong cuộc lẫn bạn đọc.
Bìa sách "Văn nhân Bình Định-Một góc nhìn".
Với tiêu chí là “Chân dung-Phê Bình-Tiểu luận” nhưng trong cuốn sách này đã hoàn toàn đi ngược lại với tiêu chí ngay đầu cuốn sách này! Có thể dễ dàng nhận thấy đây là một cuốn sách về văn học nhưng trong sách này lại đưa vào những tác giả khá xa lạ trong giới văn học, không có tác phẩm nào để lại ấn tượng thậm chí có những tác giả hoạt động trong các lĩnh vực “tréo ngoe” như: Bài chòi, Khảo cổ… - Điển hình là ông Nguyễn An Pha – vốn là người hoạt động lĩnh vực bài chòi, ông Trần Quang Khanh – chỉ viết phóng sự báo chí.
Bên cạnh đó, là sự vi phạm về Luật Bản quyền khá nghiêm trọng khi rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã bị tác giả Lê Hoài Lương sử dụng tác phẩm, tiểu sử,… vào cuộc sách này không hề xin phép mà chỉ đến khi cuốn sách được phát hành và bán với 300.000 đồng thì các tác giả mới phát hiện.
Theo thông tin xuất bản được ghi trong cuốn sách này: “Số quyết định xuất bản: 1980/QĐ-NXBHNV cấp ngày 30/12/2015 – In xong và nộp lưu chiểu quý IV-2015” thì có thể nhận thấy có vấn đề không rõ ràng trong việc giữa thời gian cấp phép đến thời gian in, nộp lưu chiểu. Bạn đọc cũng đặt ra câu hỏi: “Phải chăng cuốn sách này in trước rồi mới xin giấy phép sau?”.
Nếu đúng vậy thì đây là một sai phạm nữa về Luật Xuất bản.
Tâng bốc và báng bổ
Ngoài những “văn nhân” được Lê Hoài Lương tâng bốc lên tận mây xanh, rất nhiều tác giả đã bị Lê Hoài Lương dùng những từ ngữ xúc phạm, báng bổ. Rất dễ nhận thấy trong cuốn sách này, tác giả Lê Hoài Lương chỉ nhận xét tác phẩm một cách sơ xài nhưng lại xoáy sâu vào đời tư của những tác giả và tìm mọi khe hở để phục vụ cho ý đồ riêng của mình.
Một sai lầm nữa về mặt lịch sử của tác giả Lê Hoài Lương khi nói về trận đánh lịch sử Phước Long: “Tôi đọc lịch sử nhiều nguồn nên biết Phước Long được cách mạng chiếm thực ra là tiếp quản chứ không đánh đấm gì.
Chính quyền Sài Gòn lúc ấy bị sức ép quá lớn vì biết những đoàn quân Bắc Việt đã áp sát quanh khu vực, họ tự rút lui để giữ căn cứ Tống Lê Chân, căn cứ quan trọng bảo vệ cửa ngõ phía tây Sài Gòn”.
Lê Hoài Lương đang cố tình xuyên tạc lịch sử đang được phổ biến hiện nay?
Với kinh phí gần trăm triệu dành riêng cho tác giả Lê Hoài Lương để thực hiện cuốn sách này là một con số rất lớn từ ngân sách của UBND tỉnh Bình Định. Trước giờ, có hội viên nào của Hội VHNT Bình Định được ưu ái như Lê Hoài Lương không? Nhưng trái với sự kỳ vọng của UBND tỉnh Bình Định, Lê Hoài Lương và lãnh đạo Hội VHNT Bình Định đã cho ra đời sản phẩm văn nghệ gây chia rẽ, mất đoàn kết trong giới văn học tỉnh Bình Định càng ngày thêm sâu sắc.