Thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến tâm lý lo lắng của các sản phụ khi gần đến ngày đi sinh bởi không biết phải chọn nơi sinh ở đâu vừa đảm bảo việc sinh nở diễn ra thuận lợi, lại cần an toàn tuyệt đối, tránh khỏi lây nhiễm cộng đồng cho mẹ con sản phụ và cả gia đình. Để giúp sản phụ có thể yên tâm hơn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành đã có những chia sẻ hữu ích.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế: Cũng như các đối tượng khác, đa số sản phụ mang thai nhiễm Covid-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc Viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Đến nay mới có một trường hợp được báo cáo là một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm Covid-19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí bệnh Covid-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và trên thế giới đã ghi nhận một số phụ nữ mang thai nhiễm căn bệnh này. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát lây truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh khi đến khám hoặc sinh con (người bệnh) cần đeo khẩu trang, tới khu vực cách ly. Giữ khoảng cách tối thiểu là 2 m giữa các người bệnh. Cán bộ/nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.
Hạn chế người bệnh di chuyển trong cơ sở y tế. Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với Covid-19 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm và phòng ngừa Covid-19.
Với nhân viên y tế, luôn tuân thủ thực hành phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền, áp dụng các biện pháp dự phòng giọt bắn, dự phòng tiếp xúc, dự phòng lây truyền qua đường không khí theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Mốc thời gian mang thai
Theo các chuyên gia, việc đầu tiên mẹ bầu hãy lựa chọn cho mình một địa chỉ để sinh thật uy tín. Vừa đảm bảo an toàn trong quá trình sinh nở. Vừa phải có các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Sau khi sinh mẹ bầu cần chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ vừa trải qua một cuộc sinh nở vất vả. Nên cơ thể còn yếu chưa thể phục hồi ngay được. Nên việc lựa chọn địa điểm sinh và đội ngũ y tế chăm sóc sau sinh trong mùa dịch rất quan trọng, mẹ bầu đừng chủ quan nhé.
Bữa ăn cho mẹ bầu luôn phải đảm bảo chất dinh dưỡng. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống sôi, bổ sung đầy đủ các thực phẩm tăng sức đề kháng. Thực đơn cho mẹ khi đi sinh mùa dịch phải thật khoa học. Thực phẩm tăng sức đề kháng như: rau xanh, nấm, cà rốt, cá hồi, mật ong…
BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ, trong thời gian mang thai, ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho sản phụ, chị em cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.
Hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những đấu hiệu bất thường xảy ra. Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết, vì khi siêu âm có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn.
Khi đến khám, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m với những người xung quanh.
Mốc thời gian chuyển dạ
Khi sản phụ thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi, cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu.
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...
Sản phụ không nên quá lo lắng khi định sinh con trong mùa dịch. Các chuyên gia y tế đã đưa ra những lời khuyên cảnh báo chung, các cơ sở y tế đã thiết lập quy trình, điều động y tá, điều dưỡng đảm bảo an toàn để chăm sóc bệnh nhân mùa dịch để bảo vệ mẹ và bé khỏi rủi ro.
Mốc thời gian sau sinh
Sau khi sinh chắc hẳn mẹ nhận được nhiều sự quan tâm, hỏi han từ mọi người, bạn bè và người thân sẽ ghé thăm thường xuyên. Tuy nhiên, đây là thời điểm dịch, mẹ hãy hạn chế tiếp xúc với quá nhiều người ngay cả khi đã trở về nhà và bắt đầu tự chăm sóc con. Thay vào đó mẹ hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Việc hạn chế tiếp xúc sẽ làm giảm nguy cơ lây bệnh. Làm tăng độ an toàn cho sức khỏe. Điều đó rất tốt cho cơ thể của mẹ cũng như em bé.