Sẵn sàng cho ngày bầu cử

V. Thắng 20/05/2016 23:19

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBC) đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều ngày 20/5. Theo ông Phúc, các địa phương hoàn thành việc tổ chức để người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thực hiện quyền vận động tranh cử đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Bà con Bru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình trong ngày bầu cử sớm 20/5. Ảnh: Xuân Thi.

Hầu hết các đơn thư khiếu nại, tố cáo được nghiên cứu, xem xét

Nói về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến thời điểm này HĐBC quốc gia đã và đang chủ động làm công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Từ sau khi HĐBC quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND. Đến nay HĐBC quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Theo ông Phúc, việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, lập và niêm yết danh sách cử tri được HĐBC quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. “Tổng số tổ bầu cử trong cả nước đến thời điểm hiện nay là 91.476 tổ với tổng số cử tri cả nước là 69.265.810 người. Hiện nay các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri”- ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cũng cho biết trong thời gian qua, HĐBC đã tiếp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong những đơn, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị có nhiều đơn không rõ ràng và trùng lặp, một số trường hợp lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây đã được giải quyết.

Ông Phúc khẳng định: “Hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về bầu cử. Đến nay HĐBC quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố”.

Thông tin về một số công việc cần tiếp tục triển khai đến ngày bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ nay đến ngày bầu cử các địa phương hoàn thành việc tổ chức để những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thực hiện quyền vận động bầu cử đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (7 giờ ngày 21/5).

Đồng thời chỉ đạo Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục tập huấn nhiệm vụ cho các tổ bầu cử, trong đó đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn cử tri thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự, cách thức bỏ phiếu, cử tri không được bầu cử hộ, bầu cử thay cho cử tri khác.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo.

Phải được cơ quan giới thiệu, nhà báo mới được chứng kiến kiểm phiếu

Liên quan đến việc Điều 73 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có nêu rõ, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu.

Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ngày 18/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi đến cơ quan báo chí có nguyện vọng chứng kiến việc kiểm phiếu.

“Phóng viên chứng kiến việc kiểm phiếu phải là người có thẻ nhà báo, được cơ quan báo chí giới thiệu cử đến chứng kiến việc kiểm phiếu. Khi đến phóng viên phải thông báo với tổ trưởng tổ bầu cử tránh việc một tổ có quá nhiều người vào, còn đông hơn cả cử tri. Khi phát hiện vi phạm thì báo chí có quyền khiếu nại tố cáo theo quy định tại Điều 75 của Luật Bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND. Khi đến chứng kiến việc kiểm phiếu, phóng viên phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của tổ bầu cử, không được làm ảnh hưởng, đưa tin bài phải kịp thời, chính xác. Nếu mất an toàn làm ảnh hưởng đến công việc của tổ bầu cử thì bị mời ra ngoài. Còn báo chí nước ngoài muốn chứng kiến việc kiểm phiếu thì phải thông qua Bộ Ngoại giao, phóng viên báo chí nước ngoài cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của luật báo chí và các quy định pháp luật khác của Việt Nam” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay đồng thời cho biết thêm, các cơ quan báo chí ở Trung ương muốn chứng kiến việc kiểm phiếu phải đăng ký thông qua Vụ Thông tin báo chí, Văn phòng Quốc hội; còn báo chí tại địa phương thì đăng ký tại Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tại địa phương đó. Cơ quan báo chí muốn chứng kiến việc kiểm phiếu ở đơn vị bầu cử nào thì cơ quan báo chí phải đăng rõ tổ bầu cử tham gia chứng kiến.

Trả lời về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp gì giám sát lời hứa của các ứng cử viên để các ứng cử viên để không quên lời hứa của mình, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Hiện trong quá trình đi vận động, ứng cử viên đều cam kết trước cử tri, cử tri sẽ theo dõi nên cử tri giám sát chuyện này. 1 năm có 4 cuộc tiếp xúc cử tri, cuối năm ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc mình làm, đó chính là giám sát. Khi truyền hình trực tiếp cử tri có thể giám sát theo dõi được đại biểu mà mình bầu. Cử tri sẽ giám sát ĐBQH chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định: “Bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Các cơ quan báo chí cố gắng tuyên truyền là để người dân đi bầu cử cho đúng, đây là quyền công dân nên báo chí cố gắng tuyên truyền để dân đi bầu cử, không nên đi bầu hộ, bầu thay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho ngày bầu cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO