Sẵn sàng chống MERS-CoV

V. Hà-G.Hương 25/06/2015 10:52

Số người mắc dịch bệnh MERS-CoV vẫn không ngừng gia tăng và lan rộng, đặc biệt là tại Hàn Quốc. Tính tới nay, MERS-CoV đã khiến khoảng 1.250 người mắc, 451 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành các biện pháp để ngăn chặn dịch vào Việt Nam, nhất là tại khu vực sân bay, cửa khẩu, bệnh viện…

Sẵn sàng chống MERS-CoV

Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài

Một số ca nghi nhiễm MERS-CoV

Tính đến nay, toàn cầu đã ghi nhận 1.250 người mắc, 451 trường hợp tử vong. Bệnh khởi phát với các biểu hiện thường gặp là sốt, ho, ớn lạnh, đau họng, đau cơ - khớp. Sau đó bệnh nhân xuất hiện khó thở và tiến triển nhanh tới viêm phổi…

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận có trường hợp nào mắc MERS-CoV nhưng nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta và lây lan là rất cao. Mới đây, lần đầu tiên Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh, thành.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, khả năng dịch MERS-CoV vào Việt Nam rất cao, qua con đường công dân trở về từ vùng có dịch, hoặc công dân từ các quốc gia khác đi qua vùng có dịch rồi nhập cảnh Việt Nam. Hiện mỗi ngày có hơn 10 chuyến bay từ Hàn Quốc tới Việt Nam với khoảng 3.000 người nhập cảnh. Hơn nữa, hiện nay đang có trên 100.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Ngày 8-6, cả gia đình 4 người Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đã được tiến hành cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm do nghi ngờ nhiễm Mers-CoV. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bé trai 7 tuổi trong gia đình (trước đó cháu bị sốt 38oC) cho kết quả âm tính với virus gây MERS-CoV.

Tiếp đó, ngày 9-6, mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân nữ 23 tuổi được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM đã cho kết quả âm tính với MERS-CoV. Bệnh nhân là du học sinh tại Texas, Mỹ trở về Việt Nam và đã quá cảnh tại sân bay Hàn Quốc trong 16 giờ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 5 bệnh nhân ở Hà Nội và Phú Thọ trở về từ Hàn Quốc và Trung Quốc, nhập viện từ ngày 2 đến 8/6. Các bệnh nhân này được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại bệnh viện, kết quả đều âm tính với virus gây MERS, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.

Không thể chủ quan

Trước diễn tiễn phức tạp của dịch MERS-CoV, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch cụ thể về phòng chống MERS-CoV với những phương án có thể xảy ra. Hiện Bộ Y tế đang giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt hành khách đến từ các quốc gia có dịch, trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ, thực hiện cách ly ngay và chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - Lương Ngọc Khuê cho biết: Để phòng chống dịch MERS-CoV hiệu quả, Cục đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.

Cụ thể, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đã phân công cho 8 bệnh viện tuyến cuối làm nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân MERS-CoV trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta. Đó là các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Chợ Rẫy. Các bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đề xuất trên 29 tỷ đồng trong năm 2015 để chống dịch MERS-CoV. Trong đó gồm chi phí mua mới một máy ECMO (máy tim phổi nhân tạo), buồng áp lực âm di động, máy lọc máu ngắt quãng, khẩu trang N95, trang phục phòng hộ chống dịch, máy hấp tiệt khuẩn...; Bệnh viện Bắc Thăng Long cũng đề xuất khoản kinh phí trên 23 tỷ đồng để mua thêm 10 máy thở, các máy truyền dịch tự động, bơm kim tiêm điện, dự trù kinh phí điều trị và cách ly cho 30 bệnh nhân trong 30 ngày…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đã áp dụng rất tốt bài học kinh nghiệm “phát hiện dịch sớm, bao vây, dập tắt dịch, không để dịch lan rộng”. Nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh MERS-CoV cần phải kịp thời cách ly, cũng như cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng mọi phương tiện. Tuy nhiên, các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống dịch đến mức tối đa. Mỗi địa phương cần trở thành đơn vị truyền thông cho chính mình và người dân về các tình huống có thể xảy ra... Thông tin này đã giúp người dân yên tâm, bình tĩnh hơn trong công tác phòng chống dịch MERS-CoV.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng chống MERS-CoV