Trước tình hình mưa lũ phức tạp tại miền Trung, Bộ Y tế đã phân công các bệnh viện tuyến Trung ương và các viện chức năng hỗ trợ y tế những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Cụ thể, Bộ Y tế đã phân công 6 bệnh viện (BV) trực thuộc và 3 viện chức năng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh miền Trung phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, về công tác khám, chữa bệnh gồm: BV Bạch Mai hỗ trợ Hà Tĩnh; BV Việt Nam Cu Ba-Đồng Hới hỗ trợ tỉnh Quảng Bình; BV Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị; BV Đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế; BV C Đà Nẵng hỗ trợ cho TP Đà Nẵng; BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam.
Về công tác phòng dịch: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường-Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ cho TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Bộ Y tế nhấn mạnh, Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm liên hệ với Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố để cử các tổ, đội, tổ chức trực ban; duy trì lực lượng cơ động; dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện về cấp cứu y tế, vệ sinh môi trường và sẵn sàng tham gia ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trong mùa mưa bão trở nên lớn hơn, đặc biệt là tại hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, nơi có nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất và chia cắt giao thông.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Trong mưa lũ, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ.
Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn. Cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo.
Ông Phu nhận định, trong thời điểm hiện nay, người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhất là những người dân ở miền Trung, sống trong vùng rừng núi cần chủ động phòng dịch bệnh.
Điều đáng lưu ý, trong mưa lũ, nước sạch luôn là yêu cầu cấp thiết của mọi người dân, TS Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất”.
Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm, đối với nguồn nước sử dụng cho việc ăn uống, nếu như giếng bị ngập thì cách đơn giản nhất mà người dân có thể khắc phục đó là sử dụng phèn chua để khử khuẩn hoặc sử dụng miếng lọc bằng vải sạch. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được ăn các loại rau sống trong khu vực ngập lụt.
Bộ Y tế cũng đã quyết định xuất cấp 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố có tên trên sẽ nhận được 700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ kho hàng phòng chống thiên tai của Bộ Y tế tại Đà Nẵng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn trương tổ chức giao nhận hóa chất khử khuẩn với danh mục và số lượng hàng theo quy định. Việc giao nhận hóa chất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước.