Sẵn sàng tâm thế cho năm học mới

Nguyễn Hoài 04/09/2023 16:31

Tới thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho năm học 2023-20024.

Thêm trường học, bổ sung đội ngũ giáo viên

Lễ khai giảng năm học 2023-2024 sẽ được tổ chức vào ngày 5/9. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, nhiều địa phương đã đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, nâng cấp các phòng học, đặc biệt tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, với gần 123.000 giáo viên như hiện nay, về cơ bản Hà Nội không thiếu giáo viên; việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ.

Lễ khai giảng năm học 2023-2024 sẽ được tổ chức vào ngày 5/9.

Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.

Bên cạnh đó, Sở GDĐT Hà Nội vừa tổ chức tuyển dụng 608 chỉ tiêu viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở năm 2023.

Như vậy, năm học mới 2023-2024, Hà Nội có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa có đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhằm bảo đảm đội ngũ giáo viên cho năm học mới, Sở GDĐT Đồng Tháp chỉ đạo phòng GDĐT xây dựng kế hoạch điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu giáo viên sau khi sắp xếp, sáp nhập trường lớp theo lộ trình từng năm để sử dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo hợp lý, tiết kiệm trong sử dụng biên chế.

Năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh tăng thêm trên 35.000 học sinh. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, thành phố đưa vào sử dụng thêm 27 dự án trường học, 282 phòng học.

Củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên

Theo báo cáo tình hình chuẩn bị và triển khai năm học mới của Bộ GDĐT, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GDĐT. Như vậy, so với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.

Theo Bộ GDĐT, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng nhiều là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học 2021-2022, tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên.

Bộ GDĐT đang tập trung hướng tới việc củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên, ổn định cuộc sống giáo viên.

Bên cạnh đó, cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng 4,6% so với năm học 2021-2022 (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học 2021-2022 (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Ngoài ra, năm học 2022-2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc). Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Về các giải pháp thời gian tới, theo Bộ GDĐT, Bộ đang tập trung hướng tới việc củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên, ổn định cuộc sống giáo viên.

Trong đó, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai các giải pháp, gồm: Sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức giáo viên/lớp; Thí điểm cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách đối với nhà giáo để thu hút người giỏi vào làm giáo viên, giáo viên yên tâm công tác gắn bó với nghề, đảm bảo ổn định đội ngũ; Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; Chuẩn bị đủ nguồn tuyển giáo viên...

Đối với các địa phương, Bộ GDĐT đề nghị tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giải quyết tình trạng thừa cục bộ và thiếu giáo viên. Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thu hút và tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác tại các vùng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng tâm thế cho năm học mới