Dưới tán những rặng dừa nước um tùm ven sông rạch, nhiều ngư dân lặng lẽ lội trên lớp bùn non khi thuỷ triều vừa rút đi. Họ săn tìm những chú tôm càng xanh cỡ lớn trong những gốc dừa, một đặc sản của vùng nước lợ ven biển Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… Mặc dù công việc vất vả nhưng nếu may mắn, họ có thể kiếm vài trăm cho tới nửa triệu đồng mỗi ngày.
Là chế độ bán nhật triều, mực nước tại các vùng ven biển miền Tây Nam bộ sẽ lên và xuống 2 lần trong ngày. Khoảng cách giữa con nước lớn nhất và con nước kiệt thấp nhất rất chệnh lệch với những khu vực càng gần phía biển. Nghĩa là, khi nước triều lên cao nhất có thể cao hơn mực nước triều thấp nhất tới hơn một mét nước. Và với những thợ săn tôm càng, thời điểm chuyển giao con nước triều chính là lúc để săn bắt tôm càng thuận lợi nhất. Anh Nguyễn Văn Hảo, 31 tuổi, một người có kinh nghiệm săn bắt tôm càng xanh ở xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết thường bắt tôm càng xanh lúc buổi tối. “Khoảng sáu giờ tối là nước triều rút, mấy con rạch ở ven bến đò Giồng Lân, bến đò Mỹ An ven sông Hàm Luông thường có rất nhiều tôm. Trong những gốc dừa nước mọc ken dày san sát nhau, tôm càng trú lại rất nhiều. Chúng thích trốn trong các gốc dừa nước sau khi nước rút đi. Tuy nhiên, để bắt được tôm càng xanh cũng không dễ dàng gì, phải chạy ghe tới các con rạch này rồi trầm mình, lội trong bùn để tìm kiếm. Ở đây có nhiều người thường bắt tôm lúc buổi sáng sớm khi nước vừa rút đi. Nhưng tôi đi làm nên chỉ bắt lúc tối thôi. Buổi tối có ưu điểm là ít người đi, tuy cực nhưng thường có nhiều hơn”, anh Hảo kể.
Theo anh Hảo, những người đi bắt tôm càng xanh buổi tối thường đi theo nhóm, thường là 2-3 người đi chung bởi nghề sông nước bấp bênh, có tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm khó đoán. “Ở đây người ta có thể đặt lọp hay câu tôm càng nhưng lội bắt là phổ biến nhất. Tôm càng khá dễ bắt, nhất là khi con nước vừa xuống. Dòng chảy thuỷ triều khiến tôm không di chuyển mà tìm cách trú ẩn trong hốc đất, vết bùn lõm trong đất hay các ngách ở gốc cây dừa nước… Lúc đó mình chỉ cần di chuyển nhẹ nhàng để tìm chúng. Khi chạm vào tôm, chúng cũng không có xu hướng di chuyển mà co mình lại rồi giương càng lên để thủ thế. Hiểu được đặc tính đó thì bắt tôm rất dễ”, anh Hảo kể thêm. Đặc biệt, nghề bắt tôm càng xanh của những ngư dân vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh… chỉ kéo dài khoảng gần 2 giờ đồng hồ bởi sau khi rút đi, con nước triều sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng dâng lên. Và khi nước dâng cao, việc săn bắt tôm sẽ khó khăn thậm chí không khả thi vì các gốc dừa sẽ chìm rất sâu trong nước.
Theo quan sát của chúng tôi, đồ nghề của những người săn bắt tôm càng xanh thường rất đơn giản, chỉ có một túi lưới đeo trước ngực để chứa tôm hoặc dùng một chiếc can nhựa có khoét lỗ thả nổi buộc vào người cùng chiếc đèn pin nhỏ đeo trên đầu. Những dụng cụ này cũng khá quan trọng vì khi bắt được, tôm còn sống khoẻ mạnh thường có giá cao hơn nhiều so với tôm đã chết. Như anh Hảo và người bạn đi lội tôm càng thì họ chỉ chuẩn bị một chiếc ghe vỏ lãi. Sau khi chạy ghe tới nơi, mỗi người sẽ ở một bờ của rạch để bắt và bỏ sản phẩm lên chính chiếc ghe đó.
Dù đã được nuôi công nghiệp và khá phổ biến nhưng tôm càng xanh thiên nhiên vẫn được coi là một đặc sản vùng nước lợ ở miền Tây Nam bộ vì được nhiều người ưa chuộng. Theo chân anh Hảo và một người bạn nữa, là anh Nguyễn Văn Hai, ngụ cùng xóm ở với anh Hảo, chúng tôi biết được thêm nhiều điều thú vị về cuộc sống vùng sông nước ven biển nơi đây. Anh Hai bảo anh đang làm bảo vệ cho cửa hàng ở trên thị trấn, mỗi ngày làm từ 7 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Mặc dù cũng có lương để chi trả cuộc sống gia đình nhưng vì sinh ra và lớn ở vùng ven biển, cái nghề lội bắt thuỷ sản đã ngấm vào máu của anh. Những buổi tối rảnh rỗi, anh vẫn chèo ghe đi lội tôm để cải thiện đời sống và có thêm thu nhập. “Mình chỉ lội chừng hai tiếng thôi là về ngủ. Mùa này tôm càng xanh đang vào nhiều. Mỗi ngày anh em cũng bắt được tầm ba ký lô tôm chia nhau. Ở đây mùa nào thì săn con đó, chỉ cần chăm chỉ chút là có tiền ngay. Tôm càng xanh này lạ lắm, nước càng động thì chúng càng về nhiều. Thế nên những ngày mưa hay dòng chảy thượng nguồn đổ về, tôm sẽ di chuyển vào rạch nhiều để trú ẩn. Ban ngày nhiều người đi bắt lắm nhưng buổi tối thì ít vì phải quen thuộc sông nước chứ lỡ có chuyện gì là nguy hiểm tới tính mạng luôn. Rạch này nhỏ và thấp, lội chỉ tới bụng thôi. Ngoài ven cửa Hàm Luông thì nhiều tôm bự nhưng nước sâu, anh em chúng tôi ít khi ra lắm. Ngoài đó thường người ta đặt bẫy tôm thôi”, anh Hai chia sẻ.
Cũng theo anh Hai, thường thì các anh chỉ bắt được tôm càng xô, tức là loại nhỏ bình thường. Tuy nhiên nếu may mắn thì có thể bắt được những con tôm càng lửa cỡ lớn, có khi nặng tới 2-3 lạng. “Tôm càng lửa thi thoảng vẫn gặp, đầu bự như trái chuối. Như hồi đầu tuần tôi bắt được 4 con, một con nặng gần 2 lạng, còn 3 con nữa tầm một lạng. Ở đây người ta gọi là càng lửa, khi bán thì tính tiền riêng theo từng con. Thường tôm càng lửa trên 2 lạng thì giá tầm một trăm ngàn đồng mỗi con nếu còn sống và đủ 2 càng. Những con tầm 3 lạng mà sống khoẻ, vựa họ mua tới hơn hai trăm ngàn luôn vì loại đó hiếm, không dễ gì bắt được. Bởi tôm càng bự chúng thường ẩn sâu trong hang, trong hốc. Ngay cả khi mình chạm được vào chúng thì bắt cũng không dễ. Những khi ấy chúng sẽ thọc hai càng vào lớp bùn trong hang để cố thủ. Người mới vào nghề khi bắt càng lửa trong hang rất khó khăn, có khi bị gẫy càng, có khi chúng bị chết nữa nên bán sẽ mất giá rất nhiều”, anh Hai chia sẻ chân thành.
Ngoài tôm càng lửa có giá trị cao, những thợ săn cho biết khi tôm mới lột (thay vỏ) cũng sẽ được các vựa thu mua với giá tốt hơn so với tôm xô dù không nhiều. Bởi khi mới thay vỏ, tôm sẽ có chất lượng tốt hơn. Nói về điều này, chị Nguyễn Thị Hoàng, một chủ vựa thu mua hải sản ở thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) cho biết nhiều năm qua chị đều thu mua tôm càng, các loại cá của ngư dân trong vùng rồi gửi cho bạn hàng ở trên TPHCM. “Tôi mua tôm càng xanh quanh năm, nhưng đợt mùa mưa thì tôm nhiều hơn, mà cũng nhiều con bự nữa. Tôm của tôi chỉ toàn đồ bắt tự nhiên chứ không bao giờ có tôm nuôi đâu. Hàng tự nhiên nên giá cũng cao lắm, có khi gấp hai lần tôm trong ao cùng kích cỡ đó. Bây giờ đường sá thuận tiện lắm, chín giờ sáng là xe hàng tôi đi thì đầu giờ chiều là mối trên TPHCM đã nhận được rồi. Mình bán hàng chuẩn uy tín bao năm nay nên nhiều người biết và đặt lắm”, chị Hoàng kể. Theo người phụ nữ này, vựa của chị nằm ở ven đường tỉnh lộ khá dễ tìm và nhiều người dân trong vùng đều biết. Từ đây chạy lên thành phố Bến Tre hay TPHCM cũng chỉ lần lượt mất thời gian khoảng một và ba giờ đồng hồ. Ngoài ra, người phụ nữ này cũng cho biết do đặc thù của tôm càng xanh là nhìn đẹp nhưng tỉ lệ thịt ít hơn so với tôm thẻ, tôm sú nên thường được bán cho nhà hàng, quán ăn, khách sạn. “Sau khi thu mua, tôm càng còn sống sẽ tiếp tục được neo thả trong bể có sục vòi ô-xy, tôm đã chết thì được cấp đông và khi nào khách hàng đặt sẽ lên đơn đi giao. Hiện giá tôm xô loại trên 15 con một ký thì giá mua là trăm bảy, trăm tám mươi ngàn đồng. Còn tôm dưới 10 con một ký thì giá thoả thuận riêng, tuỳ con khoẻ hay yếu, chất lượng càng và vỏ ra sao nhưng thường khoảng một trăm ngàn mỗi con còn sống”, chị chia sẻ thêm.