Sự sáng suốt của các bước hiệp thương dân chủ, đúng luật và có số dư hợp lý để người dân lựa chọn những người đủ đức tài sẽ góp phần tạo nên một Quốc hội đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kỳ vọng này đang đặt lên vai Mặt trận khi thể hiện cho được bản lĩnh chính trị, vai trò Mặt trận và trách nhiệm với cử tri để tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3- Hội nghị lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức, đ
(Ảnh: Hoàng Long).
Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng bài “Tìm người tài đức” trên báo Cứu Quốc- tiền thân của báo Đại Đoàn Kết. Bài viết nhấn mạnh: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”. “Chiếu cầu hiền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 70 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Bởi ngày 22/5 tới, cử tri cả nước sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, những người Việt Nam yêu nước, yêu Bác Hồ lại nhớ tới bản “chiếu cầu hiền” với mong mỏi tìm người tài đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Ngay từ ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Mặt trận Việt Minh- tiền thân của MTTQ Việt Nam - đã ý thức được quyền làm chủ và trách nhiệm của mình, coi ngày bầu cử thực sự là ngày hội của những công dân khi đã được làm chủ đất nước. Từ đó đến nay, Hiến pháp hiến định, nhân dân tín nhiệm trao cho Mặt trận vai trò và trách nhiệm trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đó là quyền đứng ra tổ chức hiệp thương dân chủ và bình đẳng để tạo sự nhất trí đưa vào danh sách ứng cử những đại biểu thật sự tiêu biểu để nhân dân bầu chọn đúng người. Bởi vậy, trách nhiệm hiệp thương của Mặt trận còn quan trọng ở chỗ, không bỏ sót người tài đức để hiệp thương đưa vào danh sách giới thiệu chính thức.
Việt Nam không thiếu người tài, đức. Việt Nam không chỉ tự hào là một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là một đất nước có một nguồn tài nguyên không cạn kiệt chính là gần 100 triệu dân với khả năng sáng tạo. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực này, chọn người thực sự tài đức vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay? Đó cũng là nỗi trăn trở bấy lâu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
“Chúng ta có một lợi thế người Việt Nam sáng tạo. Cho nên muốn phát triển đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng cũng khẳng định, cần phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vì xét cho cùng, mọi thắng lợi của cách mạng đều bắt nguồn từ sức mạnh của con người. Cho nên ở mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhân tố con người - những người có tài có đức- là ưu tiên hàng đầu.
Nhưng làm thế nào để người dân chọn cho được người đại diện xứng đáng nhất cho ý chí, nguyện vọng của chính họ? Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận năm 2016 là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật pháp. Hiệp thương lần thứ 3 được xem là lần cuối cùng, quan trọng nhất. Vì vậy, Mặt trận phải thể hiện bản lĩnh chính trị, thể hiện vai trò Mặt trận, thể hiện trách nhiệm với cử tri để hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng này.
Một trong những nguyên tắc hoạt động của Mặt trận là Hiệp thương dân chủ. Hiệp thương, tự nó đã nói nên tính chất bình đẳng. Để thực hiện chức năng hiệp thương của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những lần bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đã có nhiều cố gắng, tìm tòi, sáng tạo. Hơn nữa quá trình hiệp thương dân chủ đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và ngày càng được hoàn thiện. Nhờ đó, Mặt trận không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng để trình trước nhân dân, để nhân dân cầm lá phiếu của mình bầu chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài, đủ tầm, có tâm huyết và trách nhiệm đứng ra gánh vác công việc quốc gia, công việc của địa phương.
Với những trường hợp đặc biệt, việc có nhất trí đưa vào danh sách ứng cử hay không, hoàn toàn thuộc về quyền của hội nghị hiệp thương. Vì hiệp thương thì không có sự áp đặt, ép buộc.
Kinh nghiệm cho thấy, tập trung lãnh đạo tốt ngay từ công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt bảo đảm thành công trong công tác bầu cử . Đặc biệt, để người dân hiểu đầy đủ về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thì cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử được tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần 2, việc lấy ý kiến cử tri nơi người ứng cử cư trú đã được hoàn tất. Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba dựa trên kết quả việc lấy ý kiến và sự tín nhiệm cử tri nơi công tác, nơi cư trú, trả lời về các vụ việc phải xác minh của cơ quan, tổ chức, đơn vị coi đó là những căn cứ quan trọng để lựa chọn và lập danh sách những người ứng cử ĐBQH. Nhưng chúng ta đều hiểu, việc giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là người ứng cử.
Vì thế phải có cơ chế hợp lý, khả thi cho việc giới thiệu người ứng cử, tạo ra không gian đối thoại dân chủ bình đẳng giữa cử tri và người ứng cử. Vấn đề còn lại là sự sáng suốt của các lần hội nghị hiệp thương. Nhất là Hiệp thương lần thứ 3 khi Mặt trận đưa ra quyết định cuối cùng để lập danh sách giới thiệu người ứng cử chính thức.