Cần kiến thức quy hoạch trong việc dẹp vỉa hè. Đó là lời được ông Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói với ĐĐK, trước việc dẹp lại trật tự vỉa hè tại Hà Nội và TP HCM.
Du khách thư thả trên vỉa hè thông thoáng (Ảnh: VTC.vn).
Trong những ngày qua, người thì mừng vì vỉa hè được trả cho người đi bộ như chức năng vốn dĩ của nó. Còn người thì lo nếu cấm không biết sẽ buôn bán kinh doanh ra sao, trong khi miếng cơm manh áo của không ít hộ gia đình đang dựa vào... vỉa hè. Chủ trương dẹp loạn vỉa hè cần khẳng định lại là chủ trương đúng. Nhưng làm sao cho phải cũng là điều băn khoăn.
Không chỉ có chức năng làm lối đi riêng cho người đi bộ, chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị; là lối ra vào các công trình ở dọc phố, là không gian đệm giữa nền đường và các công trình; mà vỉa hè còn là không gian công cộng đô thị, là nơi mọi người có thể nhìn ngắm người qua lại, hẹn hò gặp gỡ nhau.
Ðây chính là không gian công cộng đô thị có giá trị giúp người dân đô thị tăng “cảm nhận cộng đồng”, đồng thời là nơi để kinh doanh, buôn bán, cho thuê tạo nguồn thu về kinh tế như chính ý nghĩa của nó trong bối cảnh tấc đất là tất vàng. Và một chức năng mà ít người biết đến là không gian hoạt động của nền kinh tế phi chính thức trong đô thị gắn với hình ảnh thân quen của các đô thị lớn tại Việt Nam là “gánh hàng rong”.
Ngay cả những nơi có tốc độ phát triển và có quy hoạch gọn gàng như Paris (Pháp), vỉa hè không những được kinh doanh trong khuôn khổ nhất định; mà còn được coi là nét văn hóa khi vẫn cho phép sử dụng một phần không gian vỉa hè để kinh doanh; mùa đông những quán hàng rong bán hạt dẻ nướng với máy phát nhạc quay tay cũng tạo nên nét bản sắc cho Paris.
Còn tại Việt Nam điều đó cũng không phải là quá xa lạ khi những quán cà phê nằm trên một góc vỉa hè sát cạnh khách sạn Metrophol đã tạo nên nét văn hóa, đã đi vào tiềm thức của một bộ phận người dân và khách du lịch. Điều đó hoàn toàn phù hợp với một nước có có nền kinh tế phi chính thức nhiều như chúng ta.
Năm ngoái nhiếp ảnh gia người Hà Lan, Loes Heerink, đã tới Hà Nội và dành cả năm để có bộ ảnh chụp từ trên cầu về người bán hàng rong được đăng trên một tạp chí du lịch của Mỹ, hay kênh truyền hình CNN đã công chiếu đoạn phim về văn hóa ẩm thực vỉa hè tại Việt Nam, từ hàng bún ốc đến các hàng bán rong được khắc họa, được quảng bá ra thế giới.
Để giải quyết các vấn đề trên, để vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa đảm bảo nhu cầu của nhiều bộ phận dân cư khác nhau, rất cần quản lý tốt không gian vỉa hè theo các chức năng chính, phù hợp bởi yêu cầu sử dụng thực tiễn và sinh hoạt của người dân.
Ở Trung Quốc, riêng chuyện để xe, trên mỗi vỉa hè đều đặt một thanh sắt vuông góc với vỉa hè, có chiều dài bằng đúng chiếc xe máy để khi khách vào mua hàng, xe chỉ nằm trong phạm vi thanh sắt, nếu để vượt ra là phạt rất nặng. Biện pháp trên vừa đảm bảo được trật tự nhưng lại không cản trở trật tự.
Vì thế, để giải quyết tận gốc việc kinh doanh không đúng quy định trên vỉa hè, trước hết cần lập Quy chế quản lý tuyến phố; trong đó quy định trách nhiệm, quyền hạn và trình tự xử lý nhằm giảm thiểu các bước xét duyệt, gọn nhẹ khi tra cứu và linh động đối với tính đặc thù của từng tuyến phố, và tăng cường công tác quản lý hè phố theo chức năng.
Dẹp vỉa hè là một chủ trương đáng hoan nghênh và cần phải làm. Song hè phố ở Việt Nam với những đặc điểm và tính chất không hoàn toàn giống các nước khác trên thế giới nên công tác quản lý và các quy định cũng cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Do đó không những cần quyết tâm mà cần phải có sự am hiểu về tình hình kinh tế và xã hội. Đây vừa là vấn đề cụ thể nhưng vừa căn cơ, là bài toán vĩ mô gắn với tái cơ cấu của nền kinh tế. Mà trong đó có những chính sách điều hành cần vừa linh hoạt vừa cụ thể của cả Quốc hội và Chính phủ.