Đời người, bị oan khuất một lần cũng đã thấu khổ. Nguyễn Trãi nỗi oan từng 4 lần đè nặng, kể cả khi ông đã trở về cõi vĩnh hằng. Nhưng kỳ lạ thay, càng oan khuất, tấm lòng ông càng trung trinh son sắt, trở thành vằng vặc ánh sao Khuê, thành thánh nhân sống mãi cùng tuế nguyệt.
Năm 1400, vào tuổi 20, Nguyễn Trãi đỗ tiến sĩ triều Hồ, cùng cha là Nguyễn Phi Khanh tham chính.
Nhà Minh mang quân xâm lược, Triều Hồ nhanh chóng tiêu vong. Gia đình Nguyễn Trãi tan nát. Cha bị bắt giải sang Trung Quốc, còn ông bị giam lỏng ở thành Đông Quan, mười năm sống trong cảnh cá chậu chim lồng...
Nguyễn Trãi tìm cách thoát khỏi thành Đông Quan, về ẩn náu ở Côn Sơn, quê nội.
Dồn nén uất ức “nước mắt đắng chục năm tim nghẹn nỗi đau”, cùng máu lệ đã hóa thành Bình Ngô sách.
Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần trở thành hai vị chỉ huy của cuộc kháng chiến.
Vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, ông đảm đương đấu tranh chính trị, địch vận"Sửa hoà hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh".
Nước Đại Việt thanh bình, Nguyễn Trãi hăm hở phò vua gúp dân kiến quốc.
Thế nhưng, khi đất nước hết giặc ngoại xâm, thì giặc nội xâm khuynh đảo triều chính, đến nỗi Lê Thái Tổ - một người từng dọc ngang trận mạc cũng không khống chế nổi. Một số công thần bị giết hại, Nguyễn Trãi bị bắt giam.
Danh hư thực hoạ nên cười quá
Bao kẻ dèm pha xót người trong.
Đây là lần thứ nhất Nguyễn Trãi bị oan…
Năm 1434 Lê Thái Tông 10 tuổi kế vị vua cha. Nguyễn Trãi cúc cung phò vua trẻ tuổi. Câu nói vắt ruột của ông còn vang trong sông núi: "Xin bệ hạ yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than".
Nhưng vua trẻ ham chơi, quyền thần lũng đoạn triều đình. Nạn tham nhũng, bè cánh và xu nịnh đã cản ngăn những ý tưởng phò vua giúp nước của ông. Nguyễn Trãi đấu tranh nhưng bất lực phải lui về dựng nhà cuối bãi sông Tô, đêm ngày ngâm ngợi:
Hé cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét sân ngày lẹ bóng hoa lan.
Nguyễn Trãi càng ưu quốc ái dân, càng nhân nghĩa, ông lại càng bị gian thần ganh ghét đố kỵ. Cuối cùng bị cô lập hoàn toàn.
Nguyễn Trãi từ quan xin về ẩn dật ở Côn Sơn.
Côn Sơn, miền đất tuổi thơ của Nguyễn Trãi. Vẫn là khói đầu non, ráng ngoài đảo... Thao thức thông ngàn... Vẫn gió núi, chuông chùa... thạch bàn, lối sỏi, rừng trúc miên man..., Đó là một khung cảnh như đã hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật...
Nhưng... tất cả vẫn không lấp đầy khoảng trống… Bởi trong lòng ông vẫn đau đáu về nỗi nước nhà.
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
Vua Lê Thái Tông đã trưởng thành, thực sự nắm triều chính, năm 1439 nhà vua lại mời Nguyễn Trãi trở lại kinh thành.
Đã vào tuổi lục tuần, Nguyễn Trãi lại hăm hở hồi triều, những mong đem chút sức lực còn lại để tài bồi cho quốc dân và chấn hưng đất nước với chan chứa niềm hi vọng:
Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi
Cho thần như qua năm rét càng dạn tuyết sương
Quần môn mặc kệ dèm pha
Thánh ý cư bền tín nhiệm.
Nguyễn Trãi được giữ chức cũ, còn kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ, Đề cử chùa Tư Phúc và trông coi hai đạo Đông Bắc...
Chỉ ba năm sau, tức là Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở khu Đông Bắc, khi trở về đã ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Lúc hồi kinh có Nguyễn Thị Lộ đi theo hộ giá. Đêm ấy tại ly cung Lệ Chi viên, nhà vua từ trần đột ngột.
Bọn quyền thần dựng lên vụ án kinh hoàng kết tội ông cùng vợ hãm hại vua.
Đó là ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), rừng thảm núi sầu. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và nhiều người thân thuộc bị hành quyết tại pháp trường Thăng Long…
Thê thảm Lệ Chi, oan nghiệt lưỡi gươm
Ủ rũ cỏ cây, xót thương suối lệ.
Hài cốt Nguyễn Trãi an táng ở núi Tam Tiêm huyện Phượng Nhỡn, còn xỉ phát (tóc và răng) táng ở trang Thung Thượng, huyện Đông Triều, đến nay chỉ còn trong truyền khẩu.
Đấy là nỗi oan lần thứ 2 cuộc đời Nguyễn Trãi.
Nhưng phải đến 22 năm sau, khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, mới xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, với câu thơ động tới càn khôn, rung rinh vầng nhật nguyệt và cảm xúc tới muôn dân đất Việt:
"Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". (Tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê).
Giữa muôn vạn vì sao, ngôi sao Khuê bầu trời Đại Việt trong sáng đến vô cùng. Đó là ánh sáng tỏa ra từ khí tiết người anh hùng cứu nước vĩ đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất, là sản phẩm của đất nước trong một thời đại trưởng thành và lớn mạnh, kết đọng tinh hoa của dân tộc. Dẫu kết cục cuộc đời bằng bi kịch thê thảm, nhưng tấm gương về phẩm giá một trí thức, quyết liệt với kẻ thù, bao dung nhân ái với lân bang, để lại cho dân tộc một kho tàng văn học giá trị... muôn thuở không phai mờ.
Cũng từ sau vụ án Lệ Chi Viên, hình ảnh Nguyễn Trãi chỉ còn trong trái tim người đời, không mấy còn hiện vật. Ngay ở Côn Sơn, nơi ông giữ chức Đề cử chùa Tư Phúc, những người tâm phúc nhất cũng chỉ dám đắp hai pho tượng bằng đất, yểm tâm đề tên bên trong để thờ. Mấy trăm năm sau tượng đất vỡ ra từng mảnh, hậu thế mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Trần phu nhân. Chưa hết, con người vĩ đại như Nguyễn Trãi nhưng cũng chỉ có một tấm ảnh mà đời sau tưởng tượng vẽ ra.
Tháng Tám năm Nhâm Ngọ (2002), ở nơi nổi tiếng địa linh nhân kiệt - Xứ Đông xưa - tỉnh Hải Dương ngày nay, đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Nguyễn Trãi, sau nhiều năm xây dựng.
Bây giờ ở Côn Sơn - một vùng văn hoá lịch sử - nơi di dưỡng tinh thần của bao nhiêu bậc hiền triết, của các tao nhân mặc khách và muôn vàn kẻ sĩ của mọi triều đại - đã có một ngôi đền nguy nga tráng lệ, giữa một cảnh quan sơn thuỷ hữu tình... thờ riêng vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi mang tầm cỡ thánh nhân, ông xuất hiện sau 500 năm của nền văn hoá Thăng Long. Chính ánh sáng từ trang sách cổ, từ hồn Việt, hào khí của Rồng Tiên mấy nghìn năm cô đọng lại thành Nguyễn Trãi đại nghĩa, đại trí, đại dũng, đại nhân, với tấm lòng vằng vặc ánh sao Khuê!
Nguyễn Trãi càng oan khuất, càng toả sáng. Không chỉ tỏa sáng trên bầu trời Đại Việt mà còn toả khắp hoàn cầu. Ông được UNESCO công nhận là một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa thế giới.
Ánh sáng của nhân nghĩa, tỏa sáng đến muôn sau...