Mấy hôm nay, dư luận lại ồn ào xung quanh một đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người ở Nghệ An. Thú thật, cũng phải bằng công cụ tìm kiếm, tôi mới biết thông tin về đồng bào Ơ Đu, 1 trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người của nước ta. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê, dân tộc này còn khoảng 376 người. Đó là một vài thông tin về dân tộc rất ít người này mà tôi tin rằng cũng rất ít người biết trước khi “sự cố” xảy ra tại Nghệ An.
Trong khi đó, theo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là văn hóa truyền thống ngày càng mai một, bị đồng hóa nhanh.
Do vậy, Nghệ An đã triển Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu” tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) của huyện Tương Dương. Trong danh sách được lập, tại bản Đửa có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu. Nhưng quá trình kiểm tra thực tế không phát hiện thấy bất kỳ… người Ơ Đu nào sinh sống tại bản này. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phải “ngậm ngùi” bỏ bản Đửa ra khỏi Đề án hỗ trợ dù trước đó, cơ quan này hẳn đã cho điều tra, nghiên cứu rất kỹ càng.
Cũng trong Đề án này có phần hỗ trợ sản xuất với 6 nội dung, gồm kinh phí hỗ trợ con giống, gia súc; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm... Đáng chú ý là hạng mục hỗ trợ, xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với kinh phí hơn 12 tỷ đồng được áp dụng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương).
Triển khai, phía Chủ đầu tư là Ban Dân tộc Nghệ An đã cho xây dựng 67 chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài, bao gồm 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng, 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Tính nhẩm thì mỗi chuồng bò có giá hàng trăm triệu đồng.
Được biết, hạng mục xây dựng chuồng bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Chuồng bò thiết kế bằng khung thép ống và gạch bê tông. Máng đựng thức ăn và nước cũng xây bằng gạch và bê tông. Có những chuồng xây là chuồng đôi dành cho hai hộ gia đình nuôi bò.
Phía cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Nghệ An thì cho rằng, việc thẩm định giá dự án (ở đây cụ thể là chuồng bò) được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của cả tỉnh. “Không có chuyện muốn duyệt thế nào cũng được”. Tuy nhiên dư luận cả nước vẫn thấy phản cảm khi chuồng bò xây kiên cố nhưng nhà của người dân bên cạnh vẫn là nhà tranh.
Cũng liên quan đến việc thực hiện Đề án, đã có một số lệnh bắt được ban hành. Với tình hình này, hẳn là việc xử lý hình sự chưa thể dừng lại ở đó.
Quay trở lại vấn đề “nhà tranh”. Có thể độc giả sẽ phản biện rằng đó có thể là truyền thống của người Ơ Đu và tỉnh Nghệ An đang cố giữ gìn truyền thống đó. Vấn đề này cần một nghiên cứu nghiêm túc, bài bản chứ không phải là chuyện của một bài báo. Ngay tại Đề án 2086, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ưu tiên cho các thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, “tập trung vào các hạng mục cần thiết như nhà sinh hoạt cộng đồng và các trang thiết bị phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc...”.
Như vậy, nếu nhà tranh “phù hợp với văn hóa truyền thống” của dân tộc Ơ Đu thì tại sao chuồng bò lại làm kiên cố? Đã có nghiên cứu nào về việc xây chuồng bò cho người Ơ Đu?. Nghiên cứu ở đây phải là hoạt động khoa học có sự tham gia của các nhà dân tộc học, lịch sử, khảo cổ chứ không phải của Ban Dân tộc vốn đóng đô ở Vinh - cách huyện Tương Dương trên dưới 200 km.
Nếu hỏi Ban Dân tộc hay Sở Nông nghiệp về chuồng bò hay thậm chí nhà ở cho người Ơ Đu thì họ sẽ cho biết về quy trình, đơn giá, nhân công, vật liệu…
Đó thuần là cách tính toán mang đậm màu sắc lập trình sẵn. Nhưng “hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người” thì trước hết cần tìm hiểu xem các dân tộc rất ít người đó cần gì, muốn gì…
Hay nói cách khác, chúng ta phải suy nghĩ như người Ơ Đu ở huyện Tương Dương chứ không phải người Kinh ở TP Vinh hay thậm chí ở Hà Nội.
Từng phút, khi chúng ta ngồi đây bàn về chuyện này, chuyện kia thì người Ơ Đu đang mai một dần ngôn ngữ, trang phục cổ truyền, nhà truyền thống…
Những sự mất mát mà không quyết định tố tụng nào có thể khắc phục được!