Mấy ngày qua, vụ lái xe Nguyễn Văn Dũng, tài xế của Hãng taxi Mai Linh đỗ xe sai luật, sau đó hất cảnh sát giao thông lên nắp capô, bỏ chạy như điên, bất kể hậu quả đã làm xôn xao dư luận. Những chuyện chống đối như Dũng lâu nay không hiếm. Tuy nhiên, điều mà dư luận bất bình trăn trở rằng, tại sao lại vẫn có những đối tượng cố tình vi phạm, cố tình chống đối pháp luật, tự đưa mình vào cái vòng lao lý như vậy?
Với tài xế Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội), như bao người tài xế, hay người lao động khác trước đó đều được xã hội, cộng đồng trân trọng, cảm thông. Việc điều khiển xe vi phạm lỗi dừng đỗ đón khách nhiều khi cũng xuất phát từ sự chiều khách, hoặc do sự cạnh tranh, âu cũng được cộng đồng dễ thông cảm. Việc các chiến sĩ CSGT ra lệnh dừng xe kiểm tra cũng là việc phải làm.
Tuy nhiên bất cứ ai, cũng sẽ không thể thông cảm, đồng tình với hành vi của Dũng không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT), cố tình điều khiển xe lao vào CSGT. Khi đã hất CSGT lên capô lại vẫn cố tình bỏ chạy, đánh võng, quyết trốn chạy, bất kể va quệt với người đi đường, bất kể hậu quả xảy ra.
Sự ngang ngược, cố tình vi phạm của Nguyễn Văn Dũng đã ngay lập tức phải trả giá. Từ một vi phạm nhỏ, dễ được chia sẻ, cảm thông anh ta đã biến thành sự vụ lớn, bị cộng đồng quay lưng. Nhiều người dân, thanh niên đã không kìm được cơn nóng giận, bất bình, đã tính “đánh hội đồng”, đã dùng gạch, đá ném vào xe, vào Dũng.
Ngày 26/8, Cơ quan CSĐT đã có quyết định bắt khẩn cấp Dũng để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Rồi đây Dũng sẽ phải ra tòa về hành vi chống người thi hành công vụ. Dũng lại đang chuẩn bị phải ra Tòa về hành vi đánh bạc. Với những tội chồng tội, anh ta sẽ bị pháp luật trừng phạt nặng hơn.
Không thể nói rằng, trước khi thực hiện những hành vi như trên, Nguyễn Văn Dũng cũng như nhiều lái xe, hay nhiều người khác không lường được hậu quả. Những bài học trước đó rất nhiều. Ngay trong những ngày tháng 7, tháng 8 này, không ít những phiên tòa ở nhiều nơi đã phải mở cùng những hình phạt dành cho các lái xe, những đối tượng chống người thi hành công vụ.
TAND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào cuối tháng 7 đã tuyên phạt hai anh em Nguyễn Hữu Dũng (31 tuổi) và Nguyễn Quốc Cường (26 tuổi) mỗi người 5 năm tù về hành vi Chống người thi hành công vụ. Chuyện cũng chỉ xuất phát từ việc Dũng vi phạm chở 3 người, không đội mũ bảo hiểm, nhưng đã chống đối, thậm chí ôm giữ cảnh sát để đưa xe về nhà, quay lại gây sự với cảnh sát, còn giật nạng gỗ của người dân đánh cảnh sát.
Hôm 25/8 vừa qua, TAND TP Hà Nội cũng đã phải mở phiên Tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Nguyễn Đình Long, và vẫn y án sơ thẩm tuyên dành cho Long mức án 3 năm tù và hai người khác chịu án 10-15 tháng tù. Chuyện cũng chỉ vì nhóm của Long đi hát karaoke quá giờ về khuya, bị công an phường nhắc, nên dẫn đến gây sự bấm còi xe, xô đẩy với cảnh sát…
Điều 257 BLHS năm 1999 quy định về tội Chống người thi hành công vụ: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; 2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a.Có tổ chức; b. Phạm tội nhiều lần; c.Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d.Gây hậu quả nghiêm trọng; đ.Tái phạm nguy hiểm”. Không chỉ bị phạt tù, người vi phạm còn phải đền bù những thiệt hại mà họ gây ra.Ví như vụ tài xế Nguyễn Văn Dũng, việc đền bù về giá trị vật chất cũng không phải nhỏ.
Pháp luật luôn được thực hiện nghiêm minh, công bằng. Việc vi phạm ở hoàn cảnh nào, dù cho có che giấu, trốn chạy, với mọi đối tượng đều bị xử lý. Như trường hợp vào cuối tháng 7, Đặng Văn Hiếu (29 tuổi ở Diễn Châu, Nghệ An) lái xe tải, khi được yêu cầu đưa vào trạm cân, đã không chấp hành lại còn quay xe chắn ngang Quốc lộ 1 khiến giao thông ách tắc. Hiếu tông cả xe cảnh sát để bỏ trốn, chạy được 20 km thì vào một nhà nghỉ, nhưng sau đó vẫn bị phát hiện, khống chế. Vừa qua, Hiếu cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Hay ngày 24/8, cô người mẫu Trần Thị Trang (tức Trang Trần) đã phải ra tòa theo Khoản 1 của Điều 257 nói trên. Trước đó, ngày 26/2, khi đi cùng bạn đi taxi vào đường ngược chiều, bị lực lượng công an yêu cầu dừng xe kiểm tra, cô đã lăng mạ, thậm chí dùng cả chân tay thể hiện thái độ bất hợp tác của mình. Dù là người mẫu, diễn viên, thậm chí đang có thai, song vì vi phạm pháp luật cô vẫn phải bị xử lý nghiêm, không thể như nguyện vọng của cô “mong được bỏ qua”...
Đành rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Chống người thi hành công vụ, thậm chí có thể do bất bình với cách cư xử của chính người thi hành công vụ. Nhưng có một nguyên nhân cơ bản là người ta đã quá chủ quan, coi thường pháp luật. Từ những chuyện nhỏ, hành vi vi phạm nhỏ bị chính bản thân đẩy lên thành tội. Có những hành vi lẽ ra chỉ bị nhắc nhở, bị phạt hành chính vài trăm ngàn đồng, nhưng sự việc đã không dừng lại ở đó.
Dù sao, lại thêm một bài học nữa để rồi mọi nơi, mọi lúc người ta phải bình tâm, suy nghĩ, để không lặp lại. Cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm trong việc xử lý. Nên có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân đừng để họ vi phạm, trượt dài vào vòng lao lý, làm ảnh hưởng trật tự trị an xã hội.