Quốc tế

Sắp kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch?

Hà Anh 03/01/2024 11:49

Nhiều chuyên gia khí hậu tin rằng, năm 2023 được ghi nhận là năm lượng khí thải đạt đến đỉnh cao trước khi nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch toàn cầu bắt đầu suy giảm.

anh-bai-chinh-2-1.jpg
Theo IEA, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch từ các nhà máy khí đốt, dầu và than sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2030. Nguồn: The Guardian.

Theo các chuyên gia, những nỗ lực toàn cầu nhằm làm chậm thảm họa khí hậu đang lan rộng có thể đã đạt đến một cột mốc quan trọng trong năm ngoái với mức phát thải carbon toàn cầu từ việc sử dụng năng lượng đạt mức cao nhất. Cột mốc quan trọng này được coi là điểm bùng phát trong cuộc đua đưa lượng khí thải xuống mức 0. Nhưng đối với nhiều chuyên gia khí hậu, đó là một điểm thay đổi đã có từ nhiều năm trước, mặc dù đáng khích lệ nhưng vẫn chưa đạt được mức giảm nhanh chóng mà thế giới cần.

Ông Dave Jones - Giám đốc của tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember - cho biết: “Chúng ta có thể tạm dừng một chút để ăn mừng điểm bùng phát này. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta vẫn đang nói về thời điểm lượng khí thải có thể đạt đỉnh. Thực tế là cần giảm lượng khí thải một cách sâu sắc và nhanh chóng để duy trì được ngân sách cực kỳ nhỏ cho lượng carbon còn lại”.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hồi đầu năm 2023 đã dấy lên hy vọng về việc chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch khi dự đoán, mức tiêu thụ dầu, khí đốt và than đá sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và bắt đầu giảm khi các chính sách về khí hậu có hiệu lực. Và để hiểu cách nào thế giới có thể chấm dứt tình trạng phát thải toàn cầu ngày càng tăng, cần nhìn vào ngành điện toàn cầu.

Bà Malgorzata Wiatros-Motyka, một nhà nghiên cứu của Ember nhận định: “Thế giới đang đứng trước đỉnh điểm phát thải của ngành điện”. Thông qua nghiên cứu việc sản xuất điện ở 78 quốc gia - chiếm 92% nhu cầu điện toàn cầu, báo cáo của Ember cho thấy, lượng khí thải từ việc sản xuất điện đã ổn định trong nửa đầu năm 2023 và có thể giảm từ năm tới. Đồng thời, năng lượng mặt trời được tạo ra tăng 16% và sản lượng năng lượng gió toàn cầu tăng 10%.

Trong khi đó, báo cáo hàng đầu của IEA - một trong những báo cáo có ảnh hưởng nhất trong cuộc tranh luận về khí hậu và năng lượng - đã phát hiện ra rằng, sự gia tăng ổn định của năng lượng gió và mặt trời đang trên đà vượt xa nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thế giới, có nghĩa là năng lượng tái tạo sẽ bắt đầu thay thế nhiên liệu hóa thạch trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, việc triển khai xe điện trên toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu làm giảm nhu cầu về nhiên liệu đường bộ, vốn chiếm khoảng 50% nhu cầu dầu ở các nước phát triển.

Trong một kịch bản do IEA đưa ra - dựa trên các chính sách đã nêu của các chính phủ - cơ quan này nhận thấy rằng, lượng khí thải có thể đã đạt đỉnh ngay trong năm 2023 trước khi bắt đầu giảm chậm. Những phát hiện này được hỗ trợ bởi một số nghiên cứu riêng biệt, vẽ nên bức tranh về một thế giới vào đầu thời kỳ kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.

Một phân tích về lượng khí thải carbon của Trung Quốc cho thấy, lượng khí thải này có thể đã đạt đỉnh trong năm 2023 trước khi rơi vào tình trạng suy giảm cơ cấu trong năm nay. Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch - được thực hiện bởi Carbon Brief - cho thấy, việc triển khai năng lượng gió và mặt trời của Trung Quốc đã nhanh hơn dự kiến trong năm 2023 và có thể làm lu mờ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Mức phát thải cao nhất của Trung Quốc trong năm 2023 cũng được Viện Chính sách khí hậu Climate Analytics phát hiện, theo đó nó có thể đẩy thế giới đến “điểm bùng phát” phát thải.

Tiến sĩ Neil Grant - tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Trong nhiều năm, tăng trưởng nhu cầu năng lượng đã vượt xa việc triển khai năng lượng tái tạo, mặc dù lượng điện gió và mặt trời được bổ sung kỷ lục. Hiện chúng ta đang tiến tới điểm bùng phát, khi năng lượng tái tạo vượt qua tốc độ tăng trưởng nhu cầu và bắt đầu thay thế than, dầu và khí đốt. Điều này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho sự kết thúc của nền kinh tế hóa thạch”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng, nhiên liệu hóa thạch đã đi đến điểm bắt đầu của sự kết thúc. Một số nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã tuyên bố, nhu cầu dầu và lượng khí thải không có dấu hiệu giảm.

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng cùng với nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2050. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng dự đoán, lượng khí thải carbon toàn cầu và nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2045, dù với tốc độ chậm hơn so với những năm gần đây.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính rằng, để thế giới có thể duy trì mức nhiệt toàn cầu dưới mức mục tiêu 1,5 độ C đặt ra trong Thỏa thuận Paris, lượng khí thải cần phải giảm khoảng 9% mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch?